Hang Dơi - Di chỉ khảo cổ tiêu biểu của nền văn hoá Bắc Sơn
– Hang Dơi thuộc thôn Kha Hạ, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn là di tích khảo cổ cấp quốc gia chứa đựng nhiều giá trị lịch sử. Qua nhiều lần khai quật Hang Dơi, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di vật đặc trưng của văn hóa Bắc Sơn. Những năm qua, chính quyền và Nhân dân xã Vũ Lễ đã có nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích, góp phần lưu truyền cho hậu thế.
Hang Dơi là một hang mái đá tự nhiên, nằm sâu trong dãy núi của thôn Kha Hạ, có diện tích rộng khoảng 150 m2, có độ sâu khoảng 12m, cửa cao khoảng 11m, rộng khoảng 2 m. Đây là nơi trú ngụ của hàng ngàn con dơi. Từ vị trí của nhà văn hóa thôn Kha Hạ tới hang Dơi khoảng 1,5 km, con đường dẫn đến hang là đường mòn dân sinh, nơi đây có rất ít người qua lại. Hang Dơi là một trong những nơi phát hiện các di vật đặc trưng của nền văn hóa Bắc Sơn.
Hang Dơi là nơi người dân xã Vũ Lễ thường xuyên dừng lại nghỉ chân
Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tiến hành 2 đợt khai quật (đợt 1 từ ngày 6/12/1984 đến ngày 1/1/1985; đợt 2 từ ngày 30/10 đến ngày 5/11/2021) và thu thập được trên 600 hiện vật mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Bắc Sơn như: công cụ đá, mảnh tước, rìu mài lưỡi, cuốc, gốm, số lượng lớn dấu Bắc Sơn, mảnh tước đá vôi, mảnh tước đá cuội, công cụ hạch đá, các hiện vật là đồ gốm, đồ sành, sứ thời phong kiến và hiện đại, dấu vết các mộ táng, mộ táng của trẻ em… Qua nghiên cứu hiện vật, các nhà khảo cổ học nhận định Hang Dơi thuộc văn hoá Bắc Sơn (thời kỳ đá mới) có niên đại 10.000 năm đến 7.000 năm cách ngày nay.
Tiến sĩ Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: Trong văn hoá Bắc Sơn, cư dân Bắc Sơn sử dụng cuội để chế tác công cụ, tại Hang Dơi có nhiều chiếc rìu bằng đá cuội được mài ở lưỡi, đây là một công cụ đặc trưng cho nền văn hoá Bắc Sơn, thể hiện sự tiến bộ về phương thức sản xuất, đời sống kinh tế xã hội của cư dân thời tiền sử tại đây. Các hiện vật này sẽ đóng góp cho quá trình nghiên cứu văn hóa Bắc Sơn và phục vụ cho việc trưng bày của Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, giúp giới thiệu đến công chúng về cuộc sống của cư dân thời tiền sử; các dấu tích mộ táng đã phản ánh sự đồng nhất về tang thức của cư dân tiền sử ở văn hoá Bắc Sơn.
Nhằm bảo quản và phát huy giá trị di tích khảo cổ mà Hang Dơi mang lại, chính quyền các cấp và người dân địa phương đã có các biện pháp để bảo vệ di tích. Ông Hoàng Văn Tuấn, Trưởng thôn Kha Hạ, xã Vũ Lễ cho biết: Hang Dơi là di tích cấp quốc gia thuộc địa bàn thôn nên người dân trong thôn rất có ý thức bảo vệ. Để người dân hiểu hơn về giá trị của Hang Dơi, hằng tháng, trong các cuộc họp thôn, tôi đều tuyên truyền đến người dân, qua đó nâng cao ý thức của mỗi người trong việc bảo vệ di tích.
Được biết, người dân địa phương khi lên rừng đốn củi thường nghỉ chân hoặc trú mưa tại di tích Hang Dơi nhưng không ai xả rác hoặc viết, vẽ bậy lên di tích. Nhiều người dân còn vào tận hang để dọn chất thải của đàn dơi, vừa để làm sạch di tích vừa để mang về phục vụ chăm bón cây cối. Người dân trên địa bàn cũng thường xuyên phát quang cây cối trước cửa hang và lối vào di tích; các hố khai quật không có dấu hiệu bị xâm phạm… Nhờ đó, đến nay, di tích vẫn được giữ nguyên trạng.
Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng Phòng Văn hóa & Thông tin huyện cho biết: Thời gian qua, nhằm bảo quản, phát huy giá trị của Hang Dơi, phòng đã phối hợp với chính quyền xã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khảo cổ học, các nhà nghiên cứu tiến hành khai quật, nghiên cứu về di tích; xây dựng kế hoạch và khảo sát thực địa để tiến hành cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích;… Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kêu gọi nguồn xã hội hóa kinh phí tu sửa đường vào di tích; kết nối với các di tích trên địa bàn xã để tăng cường quảng bá về giá trị lịch sử, giá trị khảo cổ của Hang Dơi qua các phương tiện thông tin đại chúng…
Dù đã được các cấp, ngành quan tâm song công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Hang Dơi vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn kinh phí; đường dẫn đến Hang Dơi chủ yếu đi bằng đường mòn dân sinh, trời mưa sẽ gây khó khăn cho di chuyển; một số hiện vật như mộ táng trẻ em được phát hiện chưa thể tiến hành vận chuyển về bảo tàng tỉnh do kinh phí còn eo hẹp; thêm vào đó, di tích khảo cổ học là tài nguyên văn hóa rất đặc biệt, vì vậy, quá trình tu bổ đòi hỏi phải có phương án cụ thể, thận trọng để tránh tác động tiêu cực đến di tích…
Qua các nghiên cứu, các cuộc khai quật đã khẳng định di tích Hang Dơi là địa chỉ điển hình của văn hóa Bắc Sơn. Hy vọng thời gian tới, các cấp, ngành chức năng sẽ có nhiều biện pháp hiệu quả hơn nữa để bảo tồn, phát huy giá trị di tích này, qua đó, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu khảo cổ học.
Ý kiến ()