Theo hãng Roi-tơ, cuộc tuần hành này diễn ra ở Thủ đô Cai-rô và nhiều thành phố khác của Ai Cập, riêng ở Cai-rô có khoảng một triệu người tham gia. Ngày 17-2, Bộ trưởng Ngoại giao H.Clin-tơn thông báo Mỹ sẽ giúp Ai Cập 150 triệu USD để khôi phục kinh tế và hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực ở nước này.
Tại Ba-ren, quân đội và các xe bọc thép đã được triển khai ở Thủ đô Ma-na-ma, sau khi cảnh sát dùng đạn cao-su và hơi cay giải tán người biểu tình ở trung tâm thủ đô. Đây là vụ bạo lực tồi tệ nhất ở nước này trong nhiều thập kỷ, làm bốn người chết, hơn 230 người bị thương, hàng chục người bị bắt giữ và khoảng 60 người mất tích. Bộ trưởng Ngoại giao H.Clin-tơn bày tỏ sự 'quan ngại sâu sắc' về tình hình Ba-ren. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cũng lo ngại về các cuộc trấn áp người Ba-ren biểu tình và kêu gọi nhà cầm quyền nước này kiềm chế.
Tại Li-bi, sáng sớm 18-2, hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ đã tập trung trên các đường phố ở thành phố Ben-ga-di, một ngày sau 'Ngày thịnh nộ' (17-2) dẫn đến xô xát giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh, làm hơn 20 người chết.
Tại Y-ê-men, ngày 17-2 là ngày biểu tình thứ bảy liên tiếp ở nước này. Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở miền nam Y-ê-men làm bốn người chết. Tại Thủ đô Xa-na, khoảng 1.500 người biểu tình dùng gạch, đá ném vào hàng trăm người ủng hộ Tổng thống A-li A. Xa-lếch, được trang bị vũ khí, làm một người chết và khoảng 50 người bị thương.
Trước những diễn biến bất ổn tại nhiều nước ở Trung Đông và Bắc Phi, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực đối với các nền kinh tế trong khu vực. Trong bài viết trên Tạp chí nghiên cứu của IMF số ra ngày 17-2, ông M.A-mét, Giám đốc khu vực Trung Đông và Trung Á của IMF, cho rằng, tình hình bất ổn sẽ khiến các chính phủ phải đối mặt những hạn chế về tín dụng, hoạt động của giới doanh nghiệp bị cản trở và nguồn vốn ngân hàng sẽ chậm được giải ngân. Trong khi đó, mạng tin Đánh giá tình hình chính trị thế giới (Mỹ) ngày 17-2 cho rằng, tình hình mất ổn định chính trị hiện nay tại Trung Đông đang đe dọa sự lệ thuộc nguồn dầu mỏ ở vùng Vịnh của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nền kinh tế lớn khác ở châu Á.
Ý kiến ()