tle=”Hàng chục nghìn ha lúa và nhà ở tại Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ hư hại nặng”> Đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ giúp nhân dân xã Thanh Lương, (Văn Chấn, Yên Bái) dựng lại nhà bị sập sau cơn bão số 5. Ảnh: VĂN TUẤN * Hố “tử thần” xuất hiện tại đường Lê Văn Lương (Hà Nội) kéo dài
* Thêm bốn người chết do mưa bão
* Đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía bắc
Khoảng 8 giờ sáng 19-8, trên đường Lê Văn Lương kéo dài (quận Hà Đông, Hà Nội) xuất hiện một hố sụt, lở lớn. Vị trí xảy ra sụt lở nằm ngay chân công trình U Silk City đang thi công, do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư. Đến 13 giờ, hố sụt lở dài hơn 20m, rộng hơn 30m, sâu hơn 5m, làm toàn bộ làn đường bên phải và một phần làn đường bên trái (theo hướng từ Hà Đông đi Hà Nội) sụt, lở, kéo sập cổng chào ở khu đô thị mới Dương Nội và hệ thống lan-can tường trên đường. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng chức năng của Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có mặt tại hiện trường, xem xét, đánh giá mức độ của sự cố; phối hợp các đơn vị liên quan bịt đường ống thoát nước gần khu vực sụt lún, không để nước xả ra, xói vào móng đường. Đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông vận tải ngăn cách khu vực sụt lún; phong tỏa, không cho các phương tiện đi vào tuyến đường này; phân luồng cho các phương tiện đi theo các tuyến đường khác.
Tại cuộc họp chiều 19-8, giữa Sở Giao thông vận tải và các bên liên quan, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhận định, nguyên nhân xảy ra hiện tượng trên là do thi công hố móng tòa nhà 104, 105 thuộc tổ hợp chung cư U Silk City nằm sát đường Lê Văn Lương kéo dài, mới rút cọc chống mép vệ đường, cho nên mặt đất phía dưới bị rỗng chân, kết hợp với mưa to làm nước lún sâu vào nền đường đã tác động bẻ gãy đường ống cấp, thoát nước. Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư công trình có ngay các biện pháp để khắc phục sự cố, bảo đảm thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, bão số 5 đã suy yếu thành một vùng áp thấp nhưng hoàn lưu bão vẫn gây mưa diện rộng tại các tỉnh miền bắc. Các tỉnh vùng núi phía bắc cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Các tỉnh miền nam chịu ảnh hưởng của trường gió tây nam suy yếu, nên ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào rải rác và có nơi có dông, nhiệt độ trung bình từ 27 đến 30oC, trời mát.
Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến mực nước trên nhiều tuyến sông Hồng và sông Thái Bình lên cao. Hiện lũ trên sông Lục Nam tại Lục Nam đã đạt đỉnh 5,08m vào lúc 3 giờ ngày 19-8, dưới báo động 2: 0,22m; lũ trên các sông Thao, Cầu, Thương đang lên chậm. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại đang lên. Dự báo trong 24 giờ tới lũ trên các sông Thao, Cầu, Thương, Lục Nam sẽ xuống. Mực nước ở hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại tiếp tục lên và có khả năng đạt mức 4,2m, trên báo động 1: 0,2m; hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên mức 7,8m, sau xuống chậm.
Các hồ chứa khu vực miền núi Bắc Bộ mực nước đang ở mức cao; một số hồ đang xả qua tràn như Tà Keo (Lạng Sơn) 0,8m, Vân Trục (Vĩnh Phúc) 0,47m, Suối Sải (Vĩnh Phúc) 0,5m, Thanh Lanh (Vĩnh Phúc) 0,3m, Đại Lải (Vĩnh Phúc) đang mở điều tiết ba cửa xả với độ mở 0,6m. Đáng chú ý, hồ Từ Hiếu (Yên Bái) trước đây bị sự cố đã sửa chữa, hiện mực nước đang qua tràn 0,3m nhưng chưa có dấu hiệu xảy ra diễn biến bất thường.
Ngày 19-8, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư tiếp tục có Công điện số 36 điện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ điện Quốc gia, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình. Công điện nêu rõ: Hồi 9 giờ ngày 19-8, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 106,10m, lưu lượng đến hồ 4.400 m3/giây, lưu lượng xả 3.984 m3/giây. Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang trong mùa lũ hằng năm, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng một cửa xả đáy (cửa số 1) vào hồi 13 giờ ngày 19-8.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cho biết, tính đến 8 giờ sáng 19-8 số người chết trong đợt bão số 5 lên 14 người (tăng bốn người so với thông báo ngày 18-8). Bão, gió lốc và mưa lớn đã làm đổ sập 166 căn nhà; hơn 11.500 nhà bị tốc mái, hư hại, trong đó Yên Bái thiệt hại nặng nhất với gần 6.800 căn nhà bị hư hại; hơn 20.500 ha lúa và 2.328,7 ha hoa màu bị ngập; diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập là 1.346 ha; đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở với khối lượng 900 m3 (Phú Thọ: 200 m3; Lào Cai: 400 m3; Hà Giang: 300 m3).
Để tìm kiếm tàu QB 92760 bị mất liên lạc từ ba ngày qua, Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN tiếp tục yêu cầu Trung tâm TKCN Hàng hải Việt Nam phát thông báo hàng hải, đề nghị đối tác Trung Quốc hỗ trợ TKCN. Tàu SAR 273 sau khi tiếp nhiên liệu xong sẵn sàng quay trở lại tìm kiếm. Bộ đội Biên phòng chỉ đạo biên phòng các tỉnh huy động các tàu cá đang hoạt động gần khu vực tham gia cứu nạn tàu QB 92760. Quân chủng Hải quân, Cục Cảnh sát biển sẵn sàng lực lượng phương tiện đi cứu nạn khi có lệnh.
Các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhất là Tổng công ty Điện lực miền bắc đang khẩn trương khắc phục sự cố các đường dây và trạm biến áp bị ảnh hưởng do cơn bão số 5 để đóng điện trở lại trong thời gian sớm nhất, đồng thời bảo đảm an toàn cho người và thiết bị. Các hồ chứa thủy điện vận hành bình thường, sẵn sàng cắt lũ để bảo đảm an toàn hạ du. Hiện chỉ có hồ thủy điện Hòa Bình mở một cửa xả đáy theo lệnh của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư với lưu lượng xả xấp xỉ 1.600 m3/giây. Lưới điện 500kV vận hành an toàn, bình thường. Tại tỉnh Hải Dương, nhiều đường dây cao thế, hạ thế đã bị đứt, nhiều cột điện bị đổ gây ra tình trạng mất điện khiến một số trạm bơm tiêu thoát nước bị tê liệt tạm thời. Ngành điện Hải Dương đã huy động toàn bộ quân số nhanh chóng sửa chữa sự cố ngay trong mưa bão để nhanh chóng cấp điện phục vụ công tác bơm tiêu thoát nước. Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình đô thị tỉnh cũng vận hành hệ thống trạm bơm để bơm hết nước đệm ở các ao, hồ, kênh thoát nước.
Mặc dù bão đã tan, nhưng giao thông trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn còn bị tắc tại tuyến tỉnh lộ 114 Tân Lang- Huy Hạ, thuộc địa bàn huyện Phù Yên từ km 59 đến km 61 và tuyến tỉnh lộ 112 đoạn từ trung tâm huyện Bắc Yên lên xã Tà Sùa, do bị sạt lở. Ngành giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện bảo đảm thông xe trong thời gian sớm nhất.
Sáng 19-8, một vụ lở đất ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã làm một người chết. Hiện các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ trong điều kiện tiếp tục có mưa và giao thông đi lại khó khăn. Đặc biệt tuyến đường duy nhất để đến huyện Trạm Tấu xuất hiện sạt lở tại các điểm: km14, 17, 22, 23, 25 với khối lượng lớn, làm đình trệ giao thông, khiến huyện Trạm Tấu bị cô lập hoàn toàn.
Theo thống kê ban đầu, tỉnh Tuyên Quang có 115 nhà dân, bảy nhà văn hóa thôn, 14 phòng học bị tốc mái; năm cột điện hạ thế bị gãy đổ; một trạm bơm bị ngập; nước lũ cuốn trôi hai cầu tạm. 27 hộ dân sống dọc sông, suối thuộc xã Kháng Nhật và Sơn Nam (huyện Sơn Dương) phải di dời khẩn cấp… Hiện nay, các ngành chức năng và UBND các huyện đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống cho nhân dân.
Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Phú Thọ, đêm 18-8, tại huyện Hạ Hòa đã xảy ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng khiến bà Bùi Thị Loan, 70 tuổi, ở khu 8, xã Lệnh Khanh và bà Đặng Thị Xuyên 83 tuổi ở khu 4, xã Minh Hạc bị vùi lấp. Tính đến ngày 19-8, mưa, bão lốc cũng đã làm 57 nhà bị đổ sập, 200 ngôi nhà bị tốc mái, hơn 1.200 ha lúa bị ngập úng, nhiều kênh mương, đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng… Thiệt hại ước tính hơn 30 tỷ đồng.
Tỉnh Vĩnh Long có 8.168 ha cây nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng, chiếm gần 96% diện tích trồng nhãn tập trung, trong đó các huyện Long Hồ, Mang Thít có diện tích nhiễm nặng hơn 70%, năng suất giảm 50 -80%. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn phối hợp UBND các xã thống kê, đánh giá tỷ lệ nhiễm bệnh, thiệt hại của từng nhà vườn vay vốn để triển khai cơ cấu lại thời hạn nợ, khoanh nợ và cho vay mới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho 4.625 hộ nhà vườn với dư nợ hơn 37,8 tỷ đồng.
Ngày 19-8, một số tuyến đường như đường 70, đường 21B (đoạn chợ Xốm), đường vào làng Yên Phúc (phường Văn Quán) trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) vẫn bị ngập úng sâu. Tuyến đường Phan Trọng Tuệ, đoạn từ Viện 103 đến cầu Tó và Khu đô thị Văn Quán (đoạn vào cổng làng Yên Phúc) bị ngập úng nặng, các phương tiện giao thông qua đây rất khó khăn, nhiều xe máy và ô-tô bị chết máy. Tại khu vực Cầu Bươu (huyện Thanh Trì), nhiều ngôi nhà bị nước tràn vào, có nhà bị ngập sâu 40cm… Mưa lớn cũng gây sạt lở mái thượng lưu đê tả Cà Lồ đoạn K5 500 – K5 550, dài 50 m. Đây là đoạn đê được tu bổ từ năm 2010 nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao. Hiện, lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đã đặt biển cảnh báo các khu vực ngập sâu, phân luồng cho các phương tiện giao thông đi theo tuyến đường khác.
* Trận mưa lớn vào đầu giờ sáng 19-8 lại làm đổ nhiều cây xanh lâu năm trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, gây cản trở giao thông. Tại ngã tư phố Lý Thường Kiệt-Phan Bội Châu, một cây xà cừ hàng chục năm tuổi đã bị bật gốc, nằm chắn ngang phố Phan Bội Châu. Khu vực trước cửa số nhà 48 phố Hai Bà Trưng, một cây to cũng bị gió đẩy bật gốc, nằm dọc trên vỉa hè, ngọn cây “gác” lên mái hiên của các căn nhà lân cận. Gió lớn kèm mưa dông cũng quật ngã một loạt cây trong Công viên Thống Nhất, đường Lê Duẩn, phố Trương Định… Rất may, không xảy ra thương vong về người.
Theo Nhandan
Ý kiến ()