Hàn Quốc: Thương mại của Triều Tiên phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc
Theo KITA, mức độ phụ thuộc giao dịch vào Trung Quốc của Triều Tiên đã tăng từ mức gần 92% năm 2018 lên mức hơn 95% – cao nhất từ trước đến nay.
Phun thuốc khử trùng tại một siêu thị ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 .
Số liệu thống kê của Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA) công bố ngày 6/5 cho thấy kim ngạch thương mại của Triều Tiên năm 2019 là gần 3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2018; trong đó, xuất khẩu đạt 261 triệu USD (giảm gần 21%) và nhập khẩu đạt gần 2,7 tỷ USD (tăng 15,6%).
Điều đáng lưu ý là xuất khẩu của Triều Tiên đã giảm mạnh (hơn 94%) so với thời điểm năm 2015, hai năm trước khi cộng đồng quốc tế siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng, xuất khẩu của nước này đạt doanh thu hơn 4,5 tỷ USD.
Theo lý giải của KITA, kể từ khi quốc tế tăng cường biện pháp trừng phạt Triều Tiên (năm 2017), thương mại của quốc gia này đã nghiêng hẳn về nhập khẩu. Trong năm 2019 chỉ còn 62 quốc gia và vùng lãnh thổ tiến hành giao dịch thương mại với Triều Tiên, giảm 1/2 so với con số 115 của năm 2018.
Từ sau năm 2001, chính quyền Bình Nhưỡng luôn duy trì giao dịch thương mại với khoảng trên dưới 140 quốc gia và vùng lãnh thổ song con số này cũng giảm mạnh từ sau năm 2017.
Danh sách 10 quốc gia đứng đầu trong giao dịch với Triều Tiên gồm Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ, Costa Rica, Đức, Phần Lan, Peru, Saudi Arabia và Zimbabwe.
Cũng theo KITA, mức độ phụ thuộc giao dịch vào Trung Quốc của Triều Tiên đã tăng từ mức gần 92% năm 2018 lên mức hơn 95% – cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt gần 3 tỷ USD, tăng hơn 15% so với năm 2018.
Trong khi đó, trao đổi thương mại của Triều Tiên với các đối tác truyền thống ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore đã giảm mạnh từ sau năm 2017.
Mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Bình Nhưỡng năm 2019 là đồng hồ (gần 19%), hợp kim ferrosilicon (treemn 11%), tóc giả (hơn 11%), mô hình dụng cụ thí nghiệm (trên 6%), Wolfram (Tungsten) (gần 5%).
Về nhập khẩu, mặt hàng mà Triều Tiên nhập nhiều nhất là dầu đậu nành (4,5%), tiếp đó là hàng dệt may (3,5%), gạo (gần 3%), bột mỳ (gần 3%) và linh kiện đồng hồ (2,6%).
KITA cho rằng các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Bình Nhưỡng đã thay đổi hoàn toàn từ khi cộng đồng quốc tế siết chặt các biện pháp trừng phạt vào năm 2017.
Trước đó, nước này chủ yếu xuất khẩu than, quặng sắt, hàng dệt may và thủy sản, và nhập khẩu năm mặt hàng chính gồm nhiên liệu, điện tử, máy móc, xe ôtô và sắt thép. Hiện nay, ngoài một số loại nhiên liệu được phép nhập khẩu, Bình Nhưỡng hầu như không xuất cũng không nhập các mặt hàng này nữa.
Cũng theo cơ quan này, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dự đoán giao dịch quốc tế của Triều Tiên trong năm 2020 sẽ giảm mạnh, phải đến khi tình hình dịch bệnh ổn định và Trung Quốc nối lại giao dịch thì thương mại của miền Bắc mới có cơ hội hồi sinh. Bên cạnh đó, mức độ phụ thuộc thương mại của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh cũng có thể đạt mức kỷ lục mới./.
Ý kiến ()