Hàn Quốc phản ứng thận trọng trước quyết định hạ lãi suất của Mỹ
Nhiều ý kiến tại Hàn Quốc, nơi nhu cầu trong nước tiếp tục trì trệ do duy trì lãi suất cao kéo dài, kêu gọi Ngân hàng Trung ương (BoK) nhanh chóng cắt giảm lãi suất cơ bản trước khi quá muộn.
Lý do khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành đợt cắt giảm lãi suất lớn là vì mối đe dọa lạm phát, vốn đã đè nặng nền kinh tế nước này trong nhiều năm qua đã hạ nhiệt song nỗi lo suy thoái lại gia tăng.
Các chuyên gia tài chính Hàn Quốc cho rằng các ngân hàng trung ương không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước lớn trên thế giới đang đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất trước những lo ngại về suy thoái kinh tế.
Tại Hàn Quốc, nơi nhu cầu trong nước tiếp tục trì trệ do duy trì lãi suất cao kéo dài, có nhiều ý kiến kêu gọi Ngân hàng Trung ương (BoK) nhanh chóng cắt giảm lãi suất cơ bản trước khi quá muộn.
Tuy nhiên, dường như BoK dường như đang mắc kẹt trong tình thế khó đưa ra quyết định bởi nợ hộ gia đình tăng mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào ngày 18/9 là do các dấu hiệu xấu đi của nền kinh tế đã nghiêm trọng.
Các chỉ số kinh tế-xã hội đã diễn biến xấu nhanh hơn dự báo. Việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 8/2024 chỉ tăng 142.000 so với tháng trước, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của thị trường là 164.000.
Mỹ không phải là nơi duy nhất bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ hãi suy thoái. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Tuy nhiên, các chỉ số tiêu dùng và sản xuất vẫn thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Tháng trước, doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng mà giới chuyên gia dự báo là 2,5%. Sản xuất công nghiệp tháng trước cũng tăng 4,5% so với năm trước, thấp hơn mức dự đoán 4,8%.
Khi các chỉ số kinh tế của Trung Quốc tiếp tục trì trệ trong nửa cuối năm, các tổ chức tài chính toàn cầu lại hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay xuống 4,5-4,9%, thấp hơn so với mục tiêu 5% của chính phủ.
Bloomberg News mới đây đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay tại Khu vực đồng euro (Eurozone) gồm 20 quốc gia sử dụng đồng euro từ 0,9% xuống 0,8%.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đang được phản ánh trên thị trường nguyên liệu thô. Giá đồng, vốn được coi là phong vũ biểu của nền kinh tế toàn cầu, cũng giảm hơn 20% so với mức đỉnh.
Khi đèn cảnh báo suy thoái kinh tế bật lên trên toàn thế giới, JP Morgan hồi đầu tháng này đã nâng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm nay từ 25% lên 35%.
Suy thoái kinh tế ở các nước lớn là yếu tố tiêu cực đối với nền kinh tế Hàn Quốc, vốn lấy xuất khẩu làm động lực.
Ngay trong quý 2/2024 nền kinh tế Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng âm (-0,2%) sau 1 năm 6 tháng. Đây là kết quả của tình trạng trì trệ liên tục trong lĩnh vực đầu tư và tiêu dùng cá nhân mặc dù xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ tập trung vào chất bán dẫn.
Dự báo cho rằng khả năng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sớm cắt giảm lãi suất đã tăng lên do Fed đã thực hiện cắt giảm lãi suất lớn.
BoK cũng đã triệu tập cuộc họp đánh giá tác động với thị trường ngay trong ngày 19/9 và sau cuộc họp này nhiều nhận định cho rằng việc cắt giảm lãi suất của Fed đã làm tăng khả năng Hàn Quốc phải có động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang trộng đợi việc cắt giảm lãi suất. Ngay sau khi Ủy ban Chính sách tiền tệ quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản vào tháng Tám vừa qua Văn phòng Tổng thống đã lưu ý rằng “có sự thất vọng về việc thúc đẩy nhu cầu trong nước.”
Phó Thủ tướng Choi Sang-mok cũng nhấn mạnh tại Hội nghị Tài chính và kinh tế vĩ mô cùng ngày rằng với những thay đổi chính sách tiền tệ của Fed, Hàn Quốc dường như đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng phức tạp toàn cầu. Chính phủ sẽ thúc đẩy các biện pháp phục hồi nhu cầu trong nước. Điều kiện “ổn định giá cả” cũng đã được đáp ứng, với tỷ lệ lạm phát ở mức 2% tính đến hết tháng 8/2024.
Tuy nhiên, giá nhà đất tại khu vực đô thị tăng nhanh và nợ hộ gia đình tăng mạnh vẫn được coi là những yếu tố đáng lo ngại đang gây ra sự lưỡng lự trong việc hạ lãi suất của BoK. Điều này là do việc hạ lãi suất quá nhanh có thể làm tăng áp lực lên thị trường bất động sản và tài chính.
Seok Byeong-hoon, Giáo sư kinh tế tại Đại học nữ Ewha, cho biết BoK cần nhanh chóng ra quyết định cắt giảm lãi suất do đã quá chậm trễ.
Trong khi đó, Giáo sư Hwang Se-un, nhà nghiên cứu tại Viện Thị trường vốn Hàn Quốc cho rằng do mặt bằng lãi suất ở Hàn Quốc không cao nên vẫn chưa quá muộn để thấy tác động từ các thay đổi trong quy định. Việc đánh giá thị trường là cần thiết trước khi có những động thái về chính sách./.
Ý kiến ()