Hàn Quốc phấn đấu gia nhập hàng ngũ các cường quốc không gian
Hàn Quốc thông báo sắp ra mắt Cơ quan Hàng không Vũ trụ của nước này (KASA) trong bối cảnh xứ sở kim chi đang phấn đấu gia nhập hàng ngũ các cường quốc không gian.
Theo tờ The Korea Herald, Quốc hội Hàn Quốc mới đây đã thông qua một số dự luật đặc biệt cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập KASA, vốn được lấy cảm hứng từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). KASA sẽ được thành lập tại TP Sacheon của Hàn Quốc. Phải mất 4 tháng để các dự luật mà Quốc hội Hàn Quốc mới thông qua có hiệu lực. Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) tiết lộ, KASA sẽ chính thức ra mắt vào tháng 5 tới đây. KASA sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo chương trình không gian của Hàn Quốc, trong đó có các dự án đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng vào năm 2032 và lên sao hỏa vào năm 2045.
MSIT cho biết, với việc thành lập KASA, Hàn Quốc dự kiến phát triển hơn 2.000 công ty liên quan đến lĩnh vực không gian và tạo thêm khoảng 500.000 việc làm. “KASA được kỳ vọng giúp Hàn Quốc tìm ra động lực tăng trưởng mới thông qua việc tạo thuận lợi cho ngành hàng không vũ trụ. Việc thành lập KASA là một bước tiến lớn để đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng vào năm 2032 và khám phá sao hỏa vào năm 2045”, Yonhap dẫn lời Bộ trưởng MSIT Lee Jong-ho nhấn mạnh.
Theo tờ The Korea Herald, Chính phủ Hàn Quốc đã dốc toàn lực thực hiện các bước đi cần thiết để thành lập KASA, bởi đây vốn là một trong những cam kết của Tổng thống Yoon Suk Yeol khi tham gia tranh cử hồi đầu năm 2022. Trên thực tế, MSIT đã đệ trình các dự luật liên quan đến KASA lên Quốc hội Hàn Quốc từ tháng 4-2023 và sau những cuộc tranh luận kéo dài tới 9 tháng, cuối cùng các nghị sĩ mới đạt được đồng thuận. Theo đó, KASA sẽ trực thuộc MSIT và chịu sự giám sát từ Ủy ban Cố vấn không gian của Tổng thống Hàn Quốc. Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI) và Viện Khoa học thiên văn và Vũ trụ Hàn Quốc (KASI) sẽ trực thuộc KASA, nhằm tránh “sự trùng lặp cũng như thiếu hiệu quả trong các nỗ lực nghiên cứu và phát triển”.
Một vụ phóng tên lửa đẩy nội địa Nuri của Hàn Quốc, tháng 5-2023. Ảnh: Yonhap |
Hàn Quốc công bố kế hoạch ra mắt KASA trong bối cảnh chương trình không gian của Seoul nhiều năm qua được AFP đánh giá là có “những kết quả trái ngược”. Sau hai lần thất bại vào các năm 2009 và 2010, vào năm 2013, tên lửa đẩy đầu tiên của Hàn Quốc với tên gọi Naro-chủ yếu dựa vào công nghệ của Nga-đã được phóng thành công lên quỹ đạo. Gần một thập niên sau đó, vào năm 2022, theo tờ Financial Times, Hàn Quốc đã đạt bước tiến quan trọng trong chương trình không gian của mình khi phóng thành công tên lửa đẩy nội địa Nuri để đưa vệ tinh vào quỹ đạo-một thành tích vốn trước đó chỉ có 6 quốc gia đạt được là Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. AFP cho biết, quá trình phát triển tên lửa đẩy Nuri của Hàn Quốc kéo dài hơn một thập niên với tổng kinh phí đầu tư vào khoảng 1,5 tỷ USD. “Đối với một quốc gia có lịch sử khiêm tốn về lĩnh vực không gian, Hàn Quốc đang sẵn sàng thực hiện bước nhảy vọt”, tờ Financial Times dẫn lời nhà phân tích Sam Wilson tại Aerospace Corporation, một tổ chức tư vấn độc lập về lĩnh vực không gian có trụ sở tại California (Mỹ), nhận định.
Trong khi tờ Korea JoongAng Daily đánh giá việc thành lập KASA có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích quốc gia “trong cuộc chạy đua khốc liệt vào không gian”, tờ The Korea Herald nhận định Hàn Quốc “vẫn còn phải đi một chặng đường dài”. Nhấn mạnh, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản đã thành lập cơ quan hàng không vũ trụ của mình lần lượt vào các năm 1969, 1993 và 2003, tờ The Korea Herald cho rằng, cách duy nhất để Hàn Quốc bắt kịp các cường quốc không gian ở châu Á là thông qua đổi mới sáng tạo. “Cần có sự hợp tác công-tư để đẩy nhanh quá trình này. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đều được đặt tại TP Sacheon. KASA cần công nhận và hỗ trợ họ với tư cách là các đối tác đổi mới sáng tạo. Hàng không vũ trụ là một lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác. Chính phủ phải chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm KASA sẽ hoạt động hiệu quả với tư cách là trung tâm chỉ huy quốc gia về công nghệ hàng không vũ trụ”, tờ The Korea Herald bình luận.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()