Hàn Quốc: Nghịch lý du khách Trung Quốc qua đường biển tăng nhưng chi tiêu giảm
Khách Trung Quốc đi bằng đường biển đến Hàn Quốc thường lưu trú ít thời gian hơn và chi tiêu "tằn tiện" hơn so với du khách đến bằng đường hàng không.
Theo số liệu của ngành du lịch Hàn Quốc công bố ngày 13/8, trong bối cảnh lượng khách du lịch Trung Quốc đến Xứ sở Kim chi ngày càng tăng, tỷ lệ du khách đến bằng phà hoặc tàu du lịch đã tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, khách đi bằng phương tiện này thường lưu trú ít thời gian hơn và chi tiêu "tằn tiện" hơn so với du khách đến bằng đường hàng không.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thống kê của ngành du lịch Hàn Quốc cho biết trong tổng số du khách Trung Quốc đến nước này, số lượng du khách nhập cảnh qua các cảng biển như Incheon, Busan và cảng Jeju đã tăng mạnh từ 169 lượt người vào tháng 7/2023 lên 30.798 lượt trong tháng 12/2023.
Trong tháng 3 và 4/2024, con số này tăng lên lần lượt là 98.928 và 100.763 lượt, sau đó giảm nhẹ xuống 80.663 lượt và 70.531 lượt trong tháng 5, tháng 6.
Theo dữ liệu của Yanoljari Research - Viện nghiên cứu độc lập trong ngành du lịch, mức chi tiêu trung bình của mỗi du khách nước ngoài tại Hàn Quốc từ tháng 1-4 năm nay chỉ là 1.063 USD, thấp hơn 18% so với mức 1.286 USD năm 2019 trước đại dịch COVID-19 và thấp hơn 43% so với mức 1.858 USD của năm 2023.
Khách du lịch Trung Quốc thường lưu trú tại Hàn Quốc trung bình 13,7 ngày trong quý 1/2023.
Cùng kỳ năm 2024, số ngày lưu trú trung bình giảm xuống còn 6,5 ngày.
Phân tích cho rằng nhu cầu nội địa chững lại của Trung Quốc khiến du khách thắt chặt chi tiêu hơn, trong đó có khoản chi khi đi du lịch tại Hàn Quốc.
Theo nhận định của Tiến sỹ Park Seung-chan chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học tư thục Yongin, khi tình hình công việc và kinh tế bất ổn ngày càng gia tăng, người dân Trung Quốc có xu hướng không tiêu tiền mạnh như trước.
Bên cạnh đó, thói quen du lịch của họ cũng đã thay đổi từ việc đi theo các tour nhóm lớn và tiêu tiền tại các cửa hàng miễn thuế sang hướng du lịch cá nhân, mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động.
Chính vì vậy, dù số lượng du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc gia tăng nhưng cũng không đủ động lực để thúc đẩy tiêu dùng trở lại tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc đang trong tình trạng suy thoái tiêu dùng kéo dài.
Theo báo cáo “Xu hướng hoạt động công nghiệp tháng 6” của Cục Thống kê quốc gia, doanh số bán lẻ trong quý 2 năm nay giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ 9 liên tiếp doanh số bán lẻ suy giảm và mức giảm lớn nhất trong một quý kể từ mức giảm 4,5% trong quý 1/2009.
Sản xuất trong ngành dịch vụ - thước đo doanh thu của ngành này - tăng 1,6%, nhưng đây là tốc độ tăng thấp nhất trong vòng 39 tháng kể từ mức tăng 0,7% ghi nhận trọng quý 1/2021.
Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) gần đây dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay là 2,5%, giảm 0,1% so với dự báo trước đó. Điều này là do tiêu dùng cá nhân sụt giảm sau khi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) hoãn cắt giảm lãi suất./.
Ý kiến ()