Hàn Quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh gia tăng quan ngại cuộc chiến thương mại do Mỹ “châm ngòi” tác động tiêu cực đến các nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) vừa giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm nay xuống mức 2,9% và năm tới là 2,8%. Ðồng thời, BOK đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản là 1,5%/năm, đóng băng lãi suất lần thứ năm liên tiếp. |
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc từng đánh giá tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sẽ đạt 3% trong năm 2018 và khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực hơn nữa để giúp nền kinh tế Hàn Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), BOK đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc có thể đạt 3% trong năm nay. Tuy nhiên, những khó khăn với nền kinh tế Hàn Quốc khiến BOK hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế quốc gia của năm nay từ 3% xuống 2,9%. Dù dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc bị hạ không đáng kể, song Viện nghiên cứu Hyundai (HRI) cảnh báo nền kinh tế lớn thứ tư châu Á có thể rơi vào “thời kỳ suy thoái” chứ không chỉ là một cuộc suy thoái trong ngắn hạn. Theo đó, nếu không lập tức đối phó có hiệu quả các nguy cơ suy thoái, Hàn Quốc thậm chí khó có thể đạt mức tăng trưởng hằng năm là 2,8%. HRI nhận định lĩnh vực xuất khẩu của nước này có thể đạt mức tăng trưởng 6,2%, giảm so với mức 15,8% trong năm ngoái. Về việc làm, HRI cho rằng số việc làm mới sẽ giảm so với con số 316.000 trong năm ngoái và tỷ lệ thất nghiệp là 3,8%, tăng 0,1% so với năm 2017. Theo các chuyên gia kinh tế, thách thức lớn nhất với tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc là các vấn đề cơ cấu kinh tế và môi trường quốc tế khó khăn. Ðài Phát thanh và Truyền hình quốc gia Hàn Quốc (KBS) cảnh báo chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang sẽ gây ra một cú sốc lớn đối với nền kinh tế Hàn Quốc, khi hai quốc gia này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Seoul. Nếu Mỹ, Trung Quốc và Liên hiệp châu Âu (EU) tăng 10% thuế nhập khẩu, quy mô thương mại toàn cầu dự kiến sẽ giảm 6%, và xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ chịu thiệt hại lên tới 36,7 tỷ USD. Xuất khẩu giảm và thị trường tài chính rủi ro trong bối cảnh tình hình tăng việc làm chậm chạp có thể sẽ khiến nền kinh tế Hàn Quốc rơi vào tình cảnh nguy hiểm. Trong bối cảnh nêu trên, Hàn Quốc đang ở thế khó trong việc điều chỉnh lãi suất. Trong cuộc họp của Ủy ban chính sách tiền tệ mới nhất, BOK đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản là 1,5%/năm, đóng băng lãi suất lần thứ năm liên tiếp kể từ lần tăng lãi suất thêm 0,25% vào tháng 11 năm ngoái. Trước lo ngại về tình trạng đảo ngược lãi suất giữa Hàn Quốc và Mỹ khiến dòng vốn đầu tư chảy khỏi thị trường Hàn Quốc, và những bất ổn trên thị trường ngoại hối gia tăng, nhiều chuyên gia kinh tế của Hàn Quốc cho rằng, việc tăng lãi suất hiện nay là biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, BOK khó có thể điều chỉnh lãi suất khi tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đang chững lại. Theo KBS, Thống đốc BOK hiện vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất cơ bản vào nửa cuối năm nay, trong bối cảnh Mỹ có thể sẽ sớm tăng lãi suất, trong khi các Ngân hàng trung ương Nhật Bản và EU có thể sẽ chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ. Các chuyên gia tài chính nhận định, tình hình quốc tế hiện đang tạo áp lực lớn lên BOK và đặt ra yêu cầu cấp thiết cho BOK trong việc áp dụng chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn. BOK cần sớm có giải pháp cụ thể để đối phó với những rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Các chuyên gia kinh tế Hàn Quốc lo ngại, nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, thị trường tài chính và thị trường ngoại hối sẽ rơi vào tình trạng bất ổn, dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Bất chấp những trở ngại đối với kinh tế Hàn Quốc, OECD nhận định kinh tế Hàn Quốc sẽ vẫn duy trì được xu hướng tăng trưởng vững chắc nhờ xuất khẩu hồi phục mạnh. Ngoài ra, tình trạng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên được giảm nhẹ cũng là một yếu tố tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, về chính sách tiền tệ, tổ chức này khuyến cáo Chính phủ Hàn Quốc tăng dần lãi suất xét tới những rủi ro tiềm ẩn về tính ổn định tài chính. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()