Hàn Quốc đẩy mạnh chính sách thu hút lao động
Nhiều ngành công nghiệp ở Hàn Quốc, vốn phụ thuộc nguồn lao động nước ngoài, đang thiếu hụt nhân công trầm trọng sau đại dịch Covid-19, do các ảnh hưởng đến dòng lao động nhập cư. Trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang gấp rút đổi mới chính sách, tạo thuận lợi để có thêm người lao động nước ngoài đến làm việc.
Ngành nông nghiệp ở Hàn Quốc thiếu hàng chục nghìn lao động. (Ảnh REUTERS) |
Chính phủ Hàn Quốc mới đây thông báo tăng hạn ngạch lao động nước ngoài trong năm ngành công nghiệp (nông nghiệp, sản xuất cơ bản, dịch vụ/bán lẻ, vận tải và đóng tàu). Theo thống kê đến tháng 6/2022, ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc thiếu 4.800 lao động, ngành sản xuất cơ bản cần thêm 27.000 lao động, ngành dịch vụ và bán lẻ thiếu 14.200 nhân công, trong khi các công ty xe buýt và ta-xi cần 2.300 lao động. Bộ Lao động và Tuyển dụng Hàn Quốc cũng đã cam kết rút ngắn quá trình nhập cảnh cho các lao động, thông suốt thủ tục hành chính cho người tuyển dụng lao động nhập cư và tăng cường hỗ trợ những ngành công nghiệp quan trọng.
Tháng 7/2022, Bộ Tư pháp Hàn Quốc công bố loại thị thực mới với tên gọi “Thị thực dành riêng cho khu vực”, có hiệu lực từ tháng 10/2022, dành cho những công dân nước ngoài muốn sinh sống và làm việc tại các vùng nông thôn được Chính phủ Hàn Quốc chỉ định. Theo chính sách thị thực mới, những lao động nước ngoài có tay nghề cao, đáp ứng các tiêu chí nhất định (như trình độ thông thạo tiếng Hàn và có nền tảng học vấn với bằng cử nhân trở lên…) sẽ được cấp thị thực cư trú (F-2) khi làm việc trong các ngành do chính quyền địa phương của Hàn Quốc chỉ định. Sau khi được cấp thị thực F-2, công dân nước ngoài phải cam kết sinh sống trong khu vực đã đăng ký ít nhất 5 năm và được phép mời vợ/chồng và con ở tuổi vị thành niên đến Hàn Quốc sinh sống cùng.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc sẽ chọn khoảng năm khu vực để cấp thị thực F-2 cho 500 lao động nhập cư, thí điểm trong một năm (đến tháng 10/2023), trước khi xem xét mở rộng sang các khu vực khác. Hiện, các chính sách thị thực tương tự đã được một số nước trên thế giới áp dụng, như “Thị thực khu vực làm việc có tay nghề cao” ở Australia hay “Chương trình nhập cư Ðại Tây Dương” ở Canada… Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch thu hút chuyên gia công nghệ thông tin và truyền thông nước ngoài bằng cách đẩy nhanh thủ tục để họ trở thành công dân Hàn Quốc, hoặc cấp thị thực cư trú dài hạn cho sinh viên quốc tế bậc sau đại học trong các ngành khoa học và công nghệ.
Nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Hàn Quốc, từ đầu tháng 8/2022, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài có thể được cấp phép thực tập tại các công ty công nghệ cao và viện nghiên cứu ở Hàn Quốc, theo chương trình thị thực mới (D-10-3). Sinh viên đủ điều kiện xin thị thực D-10-3 nếu theo học chuyên ngành công nghệ cao tại 200 trường đại học tốt nhất thế giới do Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn hoặc tại 500 trường đại học hàng đầu trong Bảng xếp hạng đại học thế giới (QS World University Rankings). Bộ Tư pháp Hàn Quốc áp dụng thị thực D-10-3 cho các lĩnh vực công nghệ cao, như chất bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghệ nano, điện tử kỹ thuật số và sinh học… Ðồng thời, Chính phủ Hàn Quốc cho phép gia hạn thời gian lưu trú của thực tập sinh công nghệ cao người nước ngoài, để giúp họ tìm việc làm ở Hàn Quốc và hỗ trợ chuyển đổi sang thị thực lao động hoặc thị thực khởi nghiệp.
Hàn Quốc hiện phải đối mặt cuộc khủng hoảng dân số do tỷ lệ sinh thấp kéo dài và tốc độ già hóa dân số nhanh. Tổng cục Thống kê Hàn Quốc dự báo dân số nước này sẽ giảm từ 51,8 triệu người năm 2020 xuống còn 37,7 triệu người vào năm 2070, trong đó số lao động sẽ giảm xuống còn 17 triệu người từ 37 triệu người hiện tại. Dân số Hàn Quốc già đi nhanh chóng kể từ năm 2020 và tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh bên ngoài thủ đô Seoul. Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động và Tuyển dụng Hàn Quốc cũng đã thành lập một lực lượng đặc biệt để đối phó cuộc khủng hoảng dân số ■
Ý kiến ()