Hàn Quốc ban hành quy định mới với người nhập cảnh từ Việt Nam
Chính phủ Hàn Quốc vừa đưa Việt Nam vào nhóm “quốc gia tăng cường kiểm tra y tế”. Theo đó từ ngày 1/4, tất cả những người từ Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc sẽ phải tự cách ly trong 7 ngày dù đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tỷ lệ bán vé trên các chuyến bay từ Việt Nam tới Hàn Quốc cũng bị giới hạn, tối đa 60% trên tổng số ghế.
Trả lời phỏng vấn TTXVN, bà Tạ Thị Thanh Thúy, Trưởng ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, quyết định mới của Chính phủ Hàn Quốc sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác lao động. Việt Nam từ ngày 15/3 đã chính thức mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, miễn thị thực cho du khách từ 13 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc.
Các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn giữa Việt Nam và Hàn Quốc dự kiến tăng mạnh trong năm 2022, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Việc Hàn Quốc đưa Việt Nam vào diện tăng cường các biện pháp phòng dịch còn làm tăng chi phí với người lao động, khiến các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc phải chờ đợi thêm thời gian, gây khó không chỉ riêng cho phía Việt Nam mà ảnh hưởng lớn tới cộng đồng các nhà đầu tư Hàn Quốc, cũng như hoạt động thăm thân của các gia đình Hàn-Việt.
Ông Lý Xương Căn, Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, việc Hàn Quốc tăng cường kiểm dịch với người nhập cảnh từ Việt Nam sẽ gây khó khăn đối với người Hàn Quốc trong triển khai các kế hoạch kinh doanh, sản xuất và tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Nhiều người dân Hàn Quốc đã nêu ý kiến trực tiếp trên website của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, cho rằng Việt Nam có số ca mắc cao nhưng tỷ lệ tử vong và ca bệnh nặng thấp, trong khi tỷ lệ người được tiêm mũi vắc-xin tăng cường rất cao. Vì thế, quy chế phòng dịch mới với Việt Nam cần được cân nhắc lại.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á vẫn diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Sự xuất hiện của biến thể Omicron khiến số ca mắc bệnh tại nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh. Tuy vậy, về cơ bản, các nước ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao. Tổng số ca bệnh tại ASEAN vượt mốc 24 triệu trường hợp.
Làn sóng dịch Covid-19 một lần nữa lại bùng lên ở Tây Âu trong bối cảnh các chính phủ ở khu vực tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Sau hơn một tháng ghi nhận số ca mắc mới giảm tại hầu khắp khu vực, các nước Anh, Pháp, Đức và Italia chứng kiến làn sóng dịch bệnh bùng phát trở lại. Tại Pháp, số ca mới tăng hơn 33% chỉ trong một tuần. Tại Đức, số ca mắc mới mỗi ngày ở mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, Quốc hội Đức vẫn thông qua quyết định cho phép bãi bỏ hầu hết các hạn chế trên cả nước, song vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch. Chính phủ Italia thông báo kế hoạch dần gỡ bỏ gần như tất cả hạn chế trước ngày 1/5 tới, bất chấp số ca mắc mới gia tăng. Tại Anh, cứ 20 người thì có 1 người nhiễm bệnh, song chính phủ đã dỡ bỏ những hạn chế đi lại quốc tế cuối cùng hôm 18/3.
Các chuyên gia y tế nhận định, nguyên nhân số ca mắc mới gia tăng tại châu Âu là do tổng hợp ba yếu tố, gồm việc dỡ bỏ các hạn chế, sự suy giảm khả năng miễn dịch theo thời gian sau khi tiêm chủng và tốc độ lây lan của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn gọi là “Omicron tàng hình”. Ước tính BA.2 có tốc độ lây lan nhanh hơn khoảng 30% so với bản gốc của biến thể Omicron.
Nhằm củng cố khả năng miễn dịch, một số quốc gia như Pháp bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ tư. Anh dự kiến triển khai chiến dịch tiêm phòng tương tự trong tuần này. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nhiều khả năng tiếp tục xuất hiện các biến thể mới, nếu các nước giàu triển khai mạnh việc tiêm mũi tăng cường thay vì chia sẻ vaccine với những nước có nhiều người còn chưa được tiêm bất kỳ mũi vaccine phòng Covid-19 nào.
Ý kiến ()