Hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc
Phân tích bản đồ diễn biến thời tiết tại Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng nhận thấy những tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Có nhiều thời kỳ, trong cùng một thời điểm, thời tiết vùng này khô hạn thì vùng khác lại bị lũ lụt nặng nề, hoặc vùng này rét tê tái, băng tuyết phủ trắng thì vùng khác lại nóng bức...Theo cơ quan dự báo thời tiết của Chính phủ Trung Quốc, nạn hạn hán ở nước này đã lan từ miền bắc xuống miền nam, nơi trước đây thường bị mưa lũ, trong đó khu vực trầm trọng nhất là bốn tỉnh Quảng Đông, Giang Tây, An Huy và Sơn Đông. Chính quyền tỉnh Giang Tây cho biết, hơn 230 nghìn người, trong đó chủ yếu là cư dân vùng nông thôn phía bắc tỉnh này đang phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt vì đợt hạn hán bất thường hiện nay. Hạn hán đã bắt đầu ảnh hưởng tới tỉnh này kể từ đầu năm, một hiện tượng hiếm thấy trong những năm gần đây. Trong bốn tháng đầu năm nay, lượng mưa trung...
Theo cơ quan dự báo thời tiết của Chính phủ Trung Quốc, nạn hạn hán ở nước này đã lan từ miền bắc xuống miền nam, nơi trước đây thường bị mưa lũ, trong đó khu vực trầm trọng nhất là bốn tỉnh Quảng Đông, Giang Tây, An Huy và Sơn Đông. Chính quyền tỉnh Giang Tây cho biết, hơn 230 nghìn người, trong đó chủ yếu là cư dân vùng nông thôn phía bắc tỉnh này đang phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt vì đợt hạn hán bất thường hiện nay. Hạn hán đã bắt đầu ảnh hưởng tới tỉnh này kể từ đầu năm, một hiện tượng hiếm thấy trong những năm gần đây. Trong bốn tháng đầu năm nay, lượng mưa trung bình ở Giang Tây chỉ bằng một nửa lượng mưa cùng kỳ năm 2010. Toàn bộ 131 trạm bơm nước quy mô vừa và lớn ở Giang Tây đã không thể hoạt động bình thường vì mực nước các sông, hồ cạn kiệt.
Thời tiết khô hạn kéo dài từ tháng 8 năm ngoái khiến Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Vân Nam ở phía nam và tây-nam Trung Quốc đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 50 năm qua khiến khoảng 3,3 triệu người lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Tại một số khu vực miền núi ở Quảng Tây, chính quyền địa phương phải dùng xe chở nước cho dân. Thậm chí, một số người phải đi xa tới ba km để lấy nước hoặc mua nước từ những thị trấn lân cận. Ở Vân Nam, tại một số làng bản, người dân chỉ còn biết trông chờ vào nguồn nước sinh hoạt do chính quyền dùng chở tới. Chính quyền Vân Nam đã báo động đỏ về tình trạng hạn hán tại một số nơi trong tỉnh. Hạn hán kéo dài ở Quảng Tây và Vân Nam đã gây thiệt hại kinh tế hơn 3,6 tỷ nhân dân tệ (527 triệu USD). Tại tỉnh Quảng Đông, số nạn nhân hạn hán đã tăng từ 54 nghìn lên 240 nghìn người. Tại vùng Châu Hải, gần cửa biển sông Châu Giang, nước mặn từ biển tràn vào sông gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng.
Ngoài bốn tỉnh nêu trên, tỉnh Hồ Nam với ba triệu dân cũng đang phải chung sống với hạn vì lượng mưa giảm đến 80%. Tại tỉnh Hồ Bắc, nơi được biết là 'Vùng đất nghìn hồ nước' cũng đang bị thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Ngày 16-5, Sở Thủy lợi tỉnh này cho biết, 1.392 hồ chứa nước loại vừa và nhỏ trong tỉnh bị cạn kiệt trơ đáy hoặc trong tình trạng 'chết'. Ngay cả hồ chứa nước khổng lồ Danjiangkou bảo đảm điều hòa nước cho khu vực trải dài từ bắc xuống nam đã ở mức báo động. Mực nước trong hồ hiện đã xuống thấp tới 4,23 m so với mực nước chết. Trong thời điểm mùa xuân, tại tỉnh này có tới 830 nghìn ha đất canh tác thiếu nước, cây trồng không cho thu hoạch. 315 nghìn người và khoảng 100 nghìn con gia súc thiếu nước ăn uống.
Tình hình thiếu nước nghiêm trọng tương tự cũng được ghi nhận tại khu vực miền bắc như Nội Mông, Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Sơn Tây. Nhiều khu vực này đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua, gây ra cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng, làm hơn 4,6 triệu người dân thiếu nước sinh hoạt và khoảng 4,1 triệu gia súc bị ảnh hưởng, gây thiệt hại đến cây trồng trên diện tích 8,7 triệu ha.
Nguyên nhân làm cho nạn hạn hán, sa mạc hóa ở Trung Quốc càng thêm trầm trọng được cho là do hiện tượng biến đổi khí hậu, cùng với tình trạng ô nhiễm do đô thị hóa, công nghiệp hóa và nạn phá rừng. Trong khi đó, người dân địa phương cho rằng từ khi xây đập thủy điện Tam Hiệp, tình trạng thiếu nước mỗi năm càng nghiêm trọng hơn tại các vùng hạ lưu. Hồi đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đầu tư khoảng 154 tỷ USD để xây dựng hệ thống dự trữ và điều tiết nước trong thời gian mười năm tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()