Hạn cục bộ - Khó khăn cho sản xuất vụ mùa
(LSO) – Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh ít mưa, nắng nóng kéo dài dẫn đến hạn cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất vụ mùa. Ngành chuyên môn đang tích cực triển khai các giải pháp để chống hạn.
Những ngày cuối tháng 7/2020, chúng tôi đến thôn Bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, qua quan sát, chứng kiến ở đây có nhiều thửa ruộng khô nứt nẻ bỏ không. Bên dòng suối cạn, ông Trần Văn Lanh, trưởng thôn Bản Hẻo cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn thôn không có mưa, con suối chảy qua thôn là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất cũng cạn kiệt. Vụ mùa, toàn thôn có kế hoạch cấy gần 40 ha lúa nhưng có đến gần 30 ha không cấy được do không có nước.
Không chỉ thôn Bản Hẻo, các thôn của xã Trấn Ninh xảy ra tình trạng như trên. Trên địa bàn xã có 2 đập trữ nước là đập Bản Hẻo, Phai Thảo, nhưng hiện nay đã cạn kiệt. Theo bà Hoàng Thị Thùy, Chủ tịch UBND xã Trấn Ninh, do không có nước sản xuất nên đến nay xã có tới 130 ha diện tích lúa mùa chưa cấy được.
Người dân xã Tú Xuyên (Văn Quan) bên ruộng mạ khô héo do thiếu nước
Vụ mùa năm nay, toàn huyện Văn Quan xây dựng kế hoạch gieo cấy gần 4.600 ha cây trồng, trong đó cấy lúa là gần 3.300 ha. Do tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất nên đến nay, toàn huyện mới cấy được hơn 2.000 ha. Trước tình trạng đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán. Theo đó, các cơ quan chuyên môn kiểm tra, sửa chữa, nạo vét kênh mương; điều tiết hợp lý nguồn nước; chủ động rà soát diện tích gieo cấy lúa mùa có nguy cơ thiếu nước, diện tích trồng lúa kém hiệu quả và tuyên truyền bà con nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng có khả năng chịu hạn, thời gian sinh trưởng ngắn.
Không chỉ Văn Quan, tình trạng thiếu nước sản xuất cũng diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh. Theo thống kê của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, đến ngày 15/7/2020, một số hồ chứa do công ty quản lý có dung tích nước rất thấp như: Khuổi Mặn 3,3%, Kéo Quân 4,16% (Tràng Định), Lũng Vài 6,75% (Văn Lãng); Pò Rái 8,3%, Rọ Nghè 3% (Bắc Sơn); Rọ Tém 4,35% (Văn Quan); Phai Quang 1,28% (Chi Lăng);… Đặc biệt, một số hồ chứa đã ở mực nước chết như: Bó Diêm (thành phố Lạng Sơn); Bản Nằm, Cốc Lùng (Tràng Định); Phai Cháu (Văn Lãng); Nặm Lìn, Rọ Bây (Bình Gia)…dung tích nước của các hồ chứa còn lại khoảng 41% so với dung tích thiết kế… Hạn hán đang mở rộng có thể gây ảnh hưởng trên 1.500 ha diện tích gieo trồng trong thời gian tới.
Ông Hà Văn Duẩn, Phó trưởng Phòng Quản lý khai thác, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Công ty đang chỉ đạo xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi các huyện, thành phố điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm và thường xuyên kiểm tra các hồ đập, trạm bơm, kịp thời khắc phục, sửa chữa các hư hỏng gây thất thoát nước tại các công trình. Đặc biệt, huy động gần 90 trạm bơm tại các xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi các huyện, thành phố để bơm nước tại những khu vực bị hạn có nguồn nước có thể bơm được.
Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Do thiếu nước cho sản xuất, đến ngày 22/7, toàn tỉnh mới chỉ gieo cấy lúa vụ mùa được 19.800 ha, đạt 60% kế hoạch. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do hạn hán, sở đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát, thống kê những diện tích bị thiếu nước (xong trước ngày 28/7/2020). Từ đó, tham mưu trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để tiếp tục bơm nước tại các nguồn nước có thể bơm được; trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, cần ưu tiên nguồn nước để phục vụ chăn nuôi và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Ý kiến ()