Hạn chế trong quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích
LSO-Những năm qua, công tác quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều di tích chưa được bảo vệ và phát huy tốt vai trò, giá trị trong việc giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ văn hóa của nhân dân, khách tham quan du lịch.
Học sinh Trường THPT Bắc Sơn vệ sinh Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn |
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 586 di tích với 4 loại hình gồm: 248 di tích lịch sử, 44 di tích khảo cổ, 250 di tích kiến trúc nghệ thuật, 44 di tích danh lam thắng cảnh. Hiện có 123 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia, 95 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, đã có 42 điểm, khu di tích và cơ sở thờ tự được đầu tư tôn tạo với tổng kinh phí hơn 79 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh mới có 4/123 điểm, khu di tích được quy hoạch; 61/123 điểm, khu di tích được khoanh vùng, bảo vệ; 23/123 điểm, khu di tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua kiểm tra, rà soát có 32/123 điểm, khu di tích bị xâm hại, lấn chiếm. Điển hình như: xây dựng trái phép điện thờ Yến Yến tại Khu du lịch Mẫu Sơn (Lộc Bình); trùng tu, tôn tạo trái phép và làm biến đổi di tích tại đền Mẫu Đồng Đăng, đền Quan Đồng Đăng (Cao Lộc), đền Bắc Lệ (Hữu Lũng); vi phạm hành lang di tích núi Phai Vệ (thành phố Lạng Sơn)… Quản lý sử dụng trái mục đích nguồn thu công đức với số tiền hơn 114 triệu đồng tại đền Bắc Lệ và 30 triệu đồng tại chùa Tam Thanh (thành phố Lanạng Sơn).
Thực trạng trên cho thấy, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh còn đang ở dạng tiềm ẩn, chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ du lịch. Đặc biệt công tác quản lý, tôn tạo và phát huy giá trị di tích hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Khá nhiều di tích được tôn tạo, trùng tu trong thời gian qua mới chỉ đảm bảo việc chống xuống cấp; thiếu quy hoạch tổng thể, chưa đầu tư đúng mức nên nhiều di tích chưa trở thành những địa chỉ văn hóa thu hút khách du lịch. Một số di tích gắn với lễ hội, tín ngưỡng đang có xu hướng bị thương mại hóa. Tình trạng đất đai bị lấn chiếm, xây dựng tùy tiện các hạng mục vẫn chưa được kịp thời xử lý. Mô hình quản lý di tích còn thiếu thống nhất, nguồn thu từ di tích chưa thực sự đầu tư trở lại để bảo tồn, phát triển. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền về di tích và thông tin về di tích còn hạn chế. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Để phát huy một cách hiệu quả những giá trị của di tích cho phát triển du lịch, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành và các đơn vị liên quan quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 25, ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo. Trước hết nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo tồn, bảo vệ di tích; quảng bá hình ảnh về Lạng Sơn với những di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tới du khách trong, ngoài nước và phát triển hạ tầng cơ sở du lịch một cách đồng bộ.
Từ thực tế trên, việc khai thác các giá trị của di tích để phát triển du lịch, góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đưa được hình ảnh con người và thiên nhiên Lạng Sơn đến với du khách… cần có sự quy hoạch và thực hiện một cách khoa học mới có kết quả bền vững.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()