Hạn chế tới mức thấp nhất số người tái nghiện ma túy
Dạy học viên cắm hoa, một phương pháp giáo dục trị liệu tại Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa. TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 9.000 người nghiện ma túy đang được cai nghiện tập trung. Theo khảo sát của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố, hai năm sau khi từ các trung tâm trở về hòa nhập cộng đồng, số người tái nghiện chỉ chiếm 17,17%.Là địa bàn phức tạp về ma túy, người mắc nghiện khá nhiều, công tác cai nghiện, quản lý, giúp đỡ người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng được chính quyền, đoàn thể các cấp đặc biệt quan tâm. Trong cai nghiện, thành phố dành riêng một cơ sở, trang bị đầy đủ các thiết bị y tế cùng đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, bác sĩ tận tâm, nhiều kinh nghiệm để tiếp nhận, điều trị cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe cho tất cả những người nghiện trước khi chuyển đến các trung tâm khác điều trị các bước tiếp theo. Cắt cơn, giải độc, mới chỉ là bước khởi đầu của một quy trình cai nghiện đầy gian nan...
Dạy học viên cắm hoa, một phương pháp giáo dục trị liệu tại Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa. |
Là địa bàn phức tạp về ma túy, người mắc nghiện khá nhiều, công tác cai nghiện, quản lý, giúp đỡ người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng được chính quyền, đoàn thể các cấp đặc biệt quan tâm. Trong cai nghiện, thành phố dành riêng một cơ sở, trang bị đầy đủ các thiết bị y tế cùng đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, bác sĩ tận tâm, nhiều kinh nghiệm để tiếp nhận, điều trị cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe cho tất cả những người nghiện trước khi chuyển đến các trung tâm khác điều trị các bước tiếp theo. Cắt cơn, giải độc, mới chỉ là bước khởi đầu của một quy trình cai nghiện đầy gian nan thử thách, không chỉ với người nghiện mà cả với những người làm công tác cai nghiện. Các bước điều trị tiếp theo như: tư vấn, sử dụng các liệu pháp tâm lý, giáo dục, lao động trị liệu… chiếm vai trò quan trọng, quyết định việc cai thành công của người mắc nghiện chính là quá trình để sau này họ tái hòa nhập cộng đồng.
Tại Trung tâm Thanh Đa, việc gọt giũa, điều chỉnh nhận thức, hành vi, nhân cách cho học viên được thức hiện khá bài bản. Bằng các hình thức xem phim, thảo luận nhóm, những buổi sinh hoạt tập thể, biểu diễn văn nghệ… các chuyên đề giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, pháp luật, truyền thống dân tộc, kiến thức an ninh quốc phòng… đều được chuyển tải một cách nhẹ nhàng giúp các học viên dễ dàng nhận thức. Trong tư vấn tâm lý trị liệu, cán bộ các trung tâm đi sâu tìm hiểu kỹ hoàn cảnh bản thân, gia đình, môi trường xã hội, nguyên nhân nào dẫn đến việc sử dụng ma túy của từng học viên. Qua đó, xác định cách tư vấn trị liệu cho từng trường hợp cụ thể với sự phối hợp chặt chẽ của gia đình người cai nghiện. Nhờ được sống trong môi trường giáo dục thân thiện, đoàn kết, nhân ái; được học chữ, học nghề, nhất là được tham gia lao động rèn luyện sức khỏe … hầu hết người cai nghiện đều có nhận thức mới về giá trị cuộc sống, giá trị bản thân, thấy được những sai lầm mà mình mắc nghiện để kiên quyết từ bỏ.
Từ đầu năm 2012 đến nay, nhờ tăng gia sản xuất, học viên các trung tâm đã làm ra khối lượng nông sản thực phẩm trị giá gần 9,5 tỷ đồng, không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống mà còn mang ý nghĩa giáo dục rất cao cho họ. Trong hai năm 2011 – 2012, các trung tâm cai nghiện ở TP Hồ Chí Minh đã mở 126 lớp dạy chữ cho hơn 3.750 học viên; 125 lớp dạy các nghề tin học, kỹ thuật điện, điện lạnh, may mặc, sửa chữa xe máy, kỹ thuật xây dựng, chăm sóc cây cảnh…cho 1.409 học viên khác… Được biết hết thời hạn cai nghiện, học viên được chuyển về Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội Phước Bình. Trong thời gian sáu tháng tại trung tâm này, học viên được học những nghề mình yêu thích, được tập huấn kỹ năng sống, tái hòa nhập cộng đồng, tập huấn phòng, chống tái nghiện; phòng, chống nhiễm HIV…
Trong số học viên cai nghiện ma túy, không ít người khi trở về cộng đồng đã không tái nghiện và có ý thức phấn đấu trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Điển hình là ông H.V.Q, ở phường Tân Phú, quận 7. Trở về nhà, ông Q vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, mua máy móc, vật tư, nguyên liệu làm túi xách thổ cẩm bán ra thị trường, ổn định được cuộc sống cho gia đình và tạo được việc làm cho nhiều lao động khác. Hoặc như vợ chồng bà T.T.M.T, ở phường 11, quận 3. Trước đây cả hai vợ chồng cùng nghiện ma túy, cùng đi cai thành công, nay trở thành chủ cơ sở gia công giày dép. Từ đầu năm đến nay, thành phố cũng đã tạo việc làm cho gần 1.500 người sau cai nghiện; nhiều người còn được chính quyền, địa phương trợ vốn làm ăn, với số vốn hơn 340 triệu đồng. Các phường, xã còn thành lập 399 câu lạc bộ, tập hợp hơn 4.500 người sau cai nghiện, tạo sân chơi lành mạnh, giúp những người sau cai có nơi sinh hoạt, giao lưu giải trí, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau cùng hòa nhịp cuộc sống mới.
Bên cạnh những thành quả, công tác cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai ở TP Hồ Chí Minh còn khá nhiều khó khăn, thách thức, do thời gian gần đây số người tái nghiện và nghiện mới đang có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP, năm tháng đầu năm 2012, các quận, huyện đã phát hiện, đưa vào các trung tâm 2.112 người nghiện ma túy (tăng 47,69% so với cùng kỳ năm 2011). Điều đáng lo ngại là tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng nhiều, trong khi phác đồ điều trị cai nghiện ma túy tổng hợp chưa được Bộ Y tế ban hành. Thực trạng đó gây khá nhiều khó khăn, lúng túng khi điều trị cho các đối tượng nghiện. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện tại nơi cư trú cũng còn nhiều bất cập. Do công việc vất vả, phức tạp, nhưng phụ cấp thấp, nên ít người thiết tha với nghề, thậm chí bỏ việc, nhất là ở khu vực cấp phường.
Cai nghiện ma túy là công việc khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực quản lý, giúp đỡ đưa những người một thời lầm lỡ trở lại với cuộc sống bình thường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()