Hạn chế sử dụng túi nilon tại các chợ trên địa bàn thành phố: Còn nhiều khó khăn
(LSO) – Để hạn chế sử dụng túi nilon, thời gian qua, cơ quan tài nguyên – môi trường và các đơn vị liên quan đã phát miễn phí túi nilon thân thiện với môi trường cho một số hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Tuy vậy, sau thời gian được phát “miễn phí”, các hộ kinh doanh lại quay lại sử dụng túi nilon khó phân hủy.
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, khoảng 2 năm trở lại đây, siêu thị Thành Đô (đường Phai Vệ, thành phố Lạng Sơn) đã sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế túi nilon. Ông Đào Quang Thường, quản lý siêu thị Thành Đô cho biết: Nhằm thay thế túi nilon khó phân hủy, góp phần bảo vệ môi trường, từ năm 2016, siêu thị đã dần sử dụng các loại túi như: túi nilon tự hủy, túi giấy… Đến nay, siêu thị Thành Đô đã thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy bằng các sản phẩm trên.
Cùng với siêu thị Thành Đô, hiện nay, thành phố Lạng Sơn có khoảng 10 đơn vị là các nhà hàng, siêu thị đã đưa các sản phẩm thay thế cho túi nilon khó phân hủy vào sử dụng như: siêu thị Lasvila, siêu thị Đồng Tiến, nhà hàng Xanh… Tuy nhiên, tại một số chợ như: Giếng Vuông, Bờ Sông, Đông Kinh, Chi Lăng… các cơ sở kinh doanh chủ yếu vẫn sử dụng túi nilon khó phân hủy để đựng hàng hóa, thức ăn khi bán hàng.
Các hộ kinh doanh tại chợ Giếng Vuông chủ yếu vẫn sử dụng túi nilon khó phân hủy khi bán hàng
Bà Nguyễn Thanh Vân, chủ cửa hàng thực phẩm tại chợ Giếng Vuông cho biết: “Mỗi tháng, cửa hàng của tôi tiêu thụ hết khoảng 10 – 13 kg túi nilon to nhỏ các loại. Các khách hàng đến cửa hàng của tôi mang theo giỏ nhựa, làn nhựa hoặc từ chối sử dụng túi nilon rất ít”.
Chợ Giếng Vuông hiện có gần 1.000 hộ kinh doanh, hầu hết các hộ này đều đang sử dụng loại túi nilon khó phân hủy khi bán hàng. Tùy vào quy mô của các hộ kinh doanh, hằng tháng, mỗi hộ tiêu thụ hết từ 2 kg đến 10 kg túi nilon khó phân hủy.
Tương tự, cửa hàng bán thực phẩm tại chợ Bờ Sông của bà Hoàng Thu Thiệp trước đây đã từng sử dụng một số sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế cho túi nilon khó phân hủy. Tuy nhiên, việc này kéo dài không lâu, cửa hàng của bà Thiệp lại quay lại sử dụng túi nilon khó phân hủy. Theo bà Thiệp, hiện nay, túi nilon khó phân hủy có giá chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg, nếu so với giá của túi nilon tự hủy là 55.000 đồng/kg thì túi nilon rẻ hơn rất nhiều. Hơn nữa nếu tính trên 1 kg, thì số lượng túi nilon được gần gấp đôi so với túi nilon tự hủy.
Qua tìm hiểu được biết, tại một số chợ như: Kỳ Lừa, Giếng Vuông, Bờ Sông, rất nhiều chủ kinh doanh đã được một số cơ quan chức năng phối hợp với ban quản lý chợ tuyên truyền về tác hại của túi nilon khó phân hủy cũng như vận động thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”. Nhiều người trong số đó đã hiểu rõ những nguy cơ tiềm ẩn từ túi nilon khó phân hủy thải ra môi trường gây ra. Tuy vậy, giá thành rẻ cùng với sự tiện lợi đã khiến túi nilon vẫn được ưa dùng. Bên cạnh đó, hiện nay, tại thành phố Lạng Sơn chưa có cơ sở nào sản xuất, cung cấp các loại túi thân thiện với môi trường, các hộ kinh doanh muốn sử dụng phải tự đặt hàng từ tỉnh khác về khiến chi phí tăng cao.
Ông Nguyễn Khắc Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Để từng bước tháo gỡ vấn đề này, thời gian qua, chi cục đã tăng cường tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa nói chung và túi nilon khó phân hủy nói riêng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, chi cục đã chủ động tuyên truyền đến nhiều hộ kinh doanh tại một số chợ trên địa bàn, vận động các hộ kinh doanh sử dụng túi nilon tự phân hủy. Bên cạnh đó, trong năm 2019, chi cục đã phát miễn phí hơn 5 tấn túi nilon tự phân hủy và hơn 8.000 tờ rơi tuyên truyền bảo vệ môi trường tới các huyện, thành phố. Nhằm hướng tới dần thay đổi hành vi, thói quen của người dân, góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Qua đó, phần nào sẽ giúp hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy tại các chợ trên địa bàn thành phố.
Có thể nói, bài toán hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy tại các khu chợ không thể giải quyết trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi cần có sự chung tay các cấp, ngành và nhân dân. Trong đó, việc nâng cao ý thức của mỗi người trong hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần là hết sức quan trọng. Từ những thay đổi nhỏ của mỗi người sẽ góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường ra cộng đồng.
Ý kiến ()