Hạn chế rác thải nhựa: Cần sự chủ động từ người dân
(LSO) – Do tính tiện dụng, dùng một lần rồi bỏ đi nên lượng rác thải nhựa ngày một gia tăng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, điều đó tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe của con người. Để hạn chế việc sử dụng rác thải nhựa cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành và trên hết là ý thức của mỗi người dân.
Bà Hà Thị Dung, đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhà tôi bán hàng ăn nên mỗi lần đi chợ phải mua rất nhiều đồ làm hàng. Đồ chủ yếu được đựng trong túi ni-lông vì tiện lợi cho cả người mua, người bán; dùng xong thì lại vứt đi chứ không phân loại vì không có thời gian.
Không riêng bà Dung, đây cũng là thói quen của rất nhiều người dân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Từ những cửa hàng, siêu thị cho đến những khu chợ cóc, chợ lớn…, hằng ngày, chúng ta đều bắt gặp hình ảnh những người mua hàng lỉnh kỉnh trên tay hoặc treo ở xe các loại túi ni-lông đựng đủ loại hàng hóa. Từ thực phẩm tươi sống cho đến các loại đồ ăn chín… đều được đựng trong những chiếc túi ni lông nhiều màu sắc hay những chai, cốc, hộp nhựa mỏng dùng một lần.
Người dân tự phân loại rác thải tại nhà giúp việc tái chế chất thải dễ dàng hơn
Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, mỗi năm, lượng rác thải nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số đó được xử lý và tái chế. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.
Tại thành phố Lạng Sơn, theo thống kê của Công ty TNHH Huy Hoàng (đơn vị phụ trách thu gom rác trên địa bàn thành phố), lượng rác tổng hợp thu gom trung bình mỗi ngày trên 100 tấn. Trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 20 – 30%, chủ yếu là túi ni-lông. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng cho biết: Rác thải được công ty thu gom và mang đi chôn lấp chứ chưa được tái chế, xử lý do chi phí rất cao. Trong khi đó, thói quen của người dân dùng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần ngày càng tăng. Hơn nữa, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt. Điều này khiến việc xử lý rác thải nhựa của công ty thêm khó khăn.
Để giảm rác thải nhựa, người dân cần hạn chế sử dụng các loại đồ dùng có nguồn gốc từ nhựa, ni lông như: chai, hộp xốp, cốc, ống hút dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy… Mỗi gia đình cần phân loại rác thải tại nguồn, phân loại riêng các loại chất thải tái chế như: vỏ chai, hộp nhựa, kim loại… tránh bị lẫn vào các loại chất thải sinh hoạt khác.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện chủ trương của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sở đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh để nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của túi ni-lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa dùng một lần gây ô nhiễm. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền, vận động người dân “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân có trách nhiệm trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải để đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp và mỹ quan đô thị.
Rác thải nhựa là các sản phẩm nhựa đã được sử dụng và thải bỏ. Rác thải nhựa trong quá trình phân hủy sẽ tạo ra những hợp chất hóa học làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, trực tiếp ảnh hướng đến nguồn thức ăn, nguồn nước uống của con người. Những chất hóa học này tích lũy dần trong cơ thể, về lâu dài sẽ gây bệnh tật cho con người hay khi đốt rác thải nhựa sẽ tạo ra khí thải gây ô nhiễm không khí… |
TRANG VÂN
Ý kiến ()