Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phối hợp các bộ, ngành chức năng thí điểm ngay việc hạn chế hoặc cấm lưu thông trong thời gian thích hợp đối với xe mô-tô, xe gắn máy trên một số tuyến phố trong đô thị, nhằm giảm ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn. Đây là chủ trương đúng đắn, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.Tình hình giao thông ở Thủ đô Hà Nội trong thời gian gần đây bộc lộ rõ những bất cập trong lĩnh vực này. Mặc dù, mỗi năm, từ nhiều nguồn vốn, hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp tổ chức giao thông, nhưng việc đi lại trên địa bàn thành phố ngày càng khó khăn, lộn xộn, ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân chính là do số lượng phương tiện giao thông cá nhân, nhất là số lượng xe máy, xe ô-tô con tăng...
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phối hợp các bộ, ngành chức năng thí điểm ngay việc hạn chế hoặc cấm lưu thông trong thời gian thích hợp đối với xe mô-tô, xe gắn máy trên một số tuyến phố trong đô thị, nhằm giảm ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn. Đây là chủ trương đúng đắn, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Tình hình giao thông ở Thủ đô Hà Nội trong thời gian gần đây bộc lộ rõ những bất cập trong lĩnh vực này. Mặc dù, mỗi năm, từ nhiều nguồn vốn, hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp tổ chức giao thông, nhưng việc đi lại trên địa bàn thành phố ngày càng khó khăn, lộn xộn, ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân chính là do số lượng phương tiện giao thông cá nhân, nhất là số lượng xe máy, xe ô-tô con tăng quá nhanh. Trung bình mỗi tháng, trên địa bàn Hà Nội có thêm bốn nghìn ô-tô, hơn 20 nghìn xe máy, trong khi hạ tầng giao thông phát triển không tương xứng, dẫn đến quá tải, gây ùn tắc, tai nạn giao thông.
Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, cần triển khai các giải pháp đồng bộ, theo lộ trình, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đối với các phương tiện giao thông cá nhân, cần tăng phí, lệ phí, siết chặt những điều kiện để mua xe. Đồng thời, cần phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Hiện nay, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phương tiện giao thông công cộng duy nhất vẫn chỉ là xe buýt. Mặc dù mỗi năm, hệ thống xe buýt của mỗi thành phố này vận chuyển hàng trăm triệu lượt hành khách, nhưng sự phát triển của xe buýt đã tới ngưỡng, nếu tiếp tục tăng số lượng xe, số lượng tuyến, chắc chắn sẽ gây ùn tắc bởi chính xe buýt.
Chưa kể chất lượng dịch vụ, an ninh trên các tuyến xe buýt còn nhiều hạn chế, cho nên chưa thu hút nhiều người đi xe. Trong khi các loại hình vận tải hành khách công cộng khác chưa được đưa vào sử dụng. Vì vậy, song song với hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, cần thiết phải cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, tàu điện trên cao… để các dự án sớm hoàn thành đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Một xã hội kỷ cương, hiện đại, văn minh không thể diễn ra tình trạng các phương tiện giao thông cá nhân chen chúc nhau, đi lại lộn xộn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Nếu chúng ta không có giải pháp hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, sớm muộn, tất cả các phương tiện giao thông, kể cả cá nhân và công cộng, đều không thể lưu thông được, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()