Hạn chế bệnh tật bẩm sinh ở trẻ
LSO-Sàng lọc trước sinh là bước chẩn đoán quan trọng mà phụ nữ mang thai cần phải thực hiện để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi, phát hiện sớm các hiện tượng bất thường giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra.
Truyền máu cho trẻ bị tan máu bẩm sinh |
Năm nay, bé Tô Anh Khôi (thôn Pò Đứa, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) tròn 12 tuổi và cũng là 12 năm liên tục điều trị bệnh tan máu bẩm sinh. Cứ đều đặn, mỗi tháng một lần, Khôi được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở 7 ngày để làm các xét nghiệm và truyền máu. Cùng đi với Khôi là cậu em trai 7 tuổi cũng bị căn bệnh đó từ lúc mới sinh ra. Nhìn hai anh em xanh xao, gầy yếu nằm trên giường bệnh chờ bác sĩ lấy máu đến truyền, ông Tô Văn Ba – ông của Khôi xót xa kể: Bố mẹ cháu đi làm xa nên hằng tháng tôi lại đưa cháu vào viện để truyền máu. Các cháu bị bệnh này từ lúc mới ra đời. Người lúc nào cũng xanh xao, còi cọc hơn các bạn cùng tuổi. Mỗi tháng xin nghỉ 1 tuần, chuyện học hành bị ảnh hưởng nhiều lắm. May mắn được xã cấp thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo để điều trị, nhưng tiền đi lại, ăn uống cũng rất tốn kém.
Không riêng anh em Khôi, hiện nay tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có gần 30 trẻ đang điều trị căn bệnh này. Được biết, bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh lý di truyền do sự thiếu hụt tổng hợp một chuỗi Globin trong huyết sắc tố của hồng cầu. Người bệnh thường xuyên phải truyền máu trong thời gian dài với chi phí rất tốn kém. Cùng với đó, bệnh tim bẩm sinh cũng đang là nỗi lo, gánh nặng kinh tế của nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh vì quá trình điều trị “vất vả, trường kỳ”. Và những căn bệnh này hoàn toàn có thể phát hiện ngay từ khi bé còn ở trong bụng mẹ (từ tuần thứ 12 đến 19 của thai kỳ) để có những biện pháp điều trị kịp thời.
Ngoài những bệnh trên, nếu các bà mẹ thường xuyên kiểm tra sức khỏe thai kỳ, làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh sẽ giúp trẻ khi sinh ra đời tránh được nhiều căn bệnh khác như: Down, Edward và các dị tật bẩm sinh ở cơ thể từ trong ra ngoài (sứt môi, hở hàm ếch, thai vô sọ, não lộn ngoài, teo thực quản…). Thế nhưng trên thực tế, nhiều phụ nữ khi mang thai vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc sàng lọc trước sinh hoặc đến khi xảy ra sự cố với thai thì mới đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm. Chị Hà Thị Bạch N. (xã Xuân Mai, huyện Văn Quan) chia sẻ: Lần trước mang thai, tôi bị lưu một lần rồi nên lần này không dám chủ quan nữa. Mỗi tháng 1 lần, tôi đến bệnh viện huyện để kiểm tra thai. Giờ được 34 tuần rồi. Qua xét nghiệm máu, nước tiểu, huyết áp, bác sĩ chẩn đoán tôi bị tiền sản giật nên đang tiếp tục theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Thạc sỹ Đoàn Anh Đức, bác sỹ Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Vì chưa có đủ máy móc thiết bị công nghệ nên việc sàng lọc trước sinh chỉ mới thực hiện được thông qua siêu âm. Tuy nhiên, khi một số sản phụ ở các huyện, thành phố yêu cầu thì chúng tôi đã tiến hành theo dõi, lấy mẫu gửi về các cơ sở y tế lớn ở trung ương để chẩn đoán, như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phụ sản Trung ương…
Từ thực tế trên cho thấy, mặc dù kinh phí còn hạn hẹp, chưa đầu tư được đầy đủ máy móc trang thiết bị nhưng việc sàng lọc trước sinh hoàn toàn có thể thực hiện được. Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết: Sàng lọc trước sinh là một trong các nội dung lớn của đề án nâng cao chất lượng dân số. Đề án này đã được triển khai từ năm 2013. Đến nay, 100% phụ nữ mang thai được tuyên truyền và có trên 70% trong số đó được khám thai theo định kỳ 3 tháng/lần và 35% phụ nữ mang thai tự nguyện làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Thông qua việc siêu âm đã phát hiện, loại trừ được dị tật ở ống thần kinh và đình chỉ thai nghén một số trường hợp. Qua đó giúp hạn chế bệnh tật, cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()