Hải Yến nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống
LSO-“Xã Hải Yến là một trong những nơi còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng. Từ các làn điệu dân ca đến nghệ thuật múa sư tử và đặc biệt nhất là trang phục dân tộc” – Bà Hoàng Mai Dung, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết.
Bình quân mỗi tháng, chị Lý Thị Ký (thôn Pó Khuôn) may được khoảng 30 bộ trang phục dân tộc Nùng |
Với trên 99% dân số là người dân tộc Nùng, người dân xã Hải Yến (huyện Cao Lộc) có truyền thống trồng bông, dệt vải chàm, tự may cho mình những bộ quần áo đặc trưng, phù hợp với thói quen sinh hoạt, phong tục tập quán. Những năm gần đây, khi thị trường hàng hóa ngày càng phát triển với nhiều loại vải màu sắc đẹp, giá thành rẻ thì người dân đã thôi không trồng bông, dệt vải nữa. Đứng trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã Hải Yến đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con để họ thêm yêu quý và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trước tiên là mặc trang phục dân tộc. Đồng thời phối hợp với các nhà trường phát động phong trào may và mặc trang phục dân tộc vào các ngày quy định. Theo đó, mỗi học sinh sẽ có 2 bộ trang phục dân tộc để mặc đi học. Nữ thì mặc cả bộ màu đen, vải kẻ, có trang trí những đường viền sặc sỡ. Nam thì mặc áo đen, có đính hoa văn ở cổ, ngực, tay áo, kết hợp với quần âu hiện đại.
Em Lộc Trung Thành, học sinh Trường Tiểu học xã Hải Yến cho biết: “Theo quy định của nhà trường, em và các bạn đều có 2 bộ trang phục dân tộc để mặc thay cho đồng phục của nhà trường vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần. Em thấy rất thích vì trang phục này đẹp và thoải mái vận động”.
Không chỉ riêng học sinh, mà hiện nay, phần lớn bà con nhân dân trên địa bàn xã đều rất yêu quý và thường xuyên mặc trang phục dân tộc mình. Cuộc sống bận rộn, họ không trồng bông dệt vải nữa mà ra chợ chọn cho mình những tấm vải đẹp, mang về cho thợ trong làng cắt may theo đúng kiểu dáng của dân tộc Nùng Hải Yến. Là một trong 2 thợ may nổi tiếng của xã, chị Lý Thị Ký (thôn Bó Khuôn) kể: “Tôi làm nghề may này được 8 năm rồi. Bà con ở đây phần đông vẫn may và mặc trang phục dân tộc truyền thống. Tính bình quân mỗi tháng tôi nhận may khoảng 30 – 40 bộ quần áo dân tộc cho khách hàng”.
Cùng với trang phục, nghệ thuật múa sư tử mèo Hải Yến lâu nay vẫn là một nét văn hóa đặc sắc, nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Ý thức được điều này, cấp ủy, chính quyền xã đã khuyến khích các thôn tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, các hộ gia đình đóng góp kinh phí cho đoàn thanh niên đứng ra tập hợp tổ, đội và tổ chức luyện tập, biểu diễn. Mặt khác, xã còn phối hợp mở lớp truyền dạy bài bản để giữ gìn đúng những nét văn hóa bản địa của múa sư tử mèo Hải Yến. Đến nay, toàn xã có 6/7 thôn có đội múa sư tử với khoảng 12 đầu lân và gần 200 thành viên tham gia.
Ngoài trang phục, nghệ thuật múa sư tử, Hải Yến còn có nghệ thuật hát sli, lễ hội vào 28 tháng Giêng, những nếp nhà chình tường truyền thống… Tuy nhiên, để hội tụ và phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng theo định hướng của tỉnh thì còn gặp rất nhiều khó khăn, cần phải có những cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực và sự đồng tâm, kiên trì của người dân. Ông Hứa Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong các thôn vẫn có nhiều người dân giàu kinh nghiệm và biết phương pháp trồng bông, dệt, nhuộm vải và rất nhiều nghệ nhân cũng như những người đam mê múa sư tử. Tuy nhiên, để gìn giữ và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống cần có sự quan tâm của các cấp, ngành trong công tác tuyên truyền, giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi nhất về kinh phí và tổ chức truyền dạy nghề để khôi phục lại nghề may, dệt vải, múa sư tử… Qua đó sẽ gìn giữ, phát huy được bản sắc riêng của dân tộc Nùng Hải Yến, góp phần tạo nền tảng để xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()