Hải Yến đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế
LSO-Xã Hải Yến, huyện Cao Lộc có 385 hộ gia đình, 1.873 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Nùng, Tày cùng sinh sống ở 7 thôn bản.
LSO-Xã Hải Yến, huyện Cao Lộc có 385 hộ gia đình, 1.873 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Nùng, Tày cùng sinh sống ở 7 thôn bản. Vài năm trở lại đây, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy được thế mạnh của đất vườn, nương bãi nên đời sống của bà con nông dân trong xã đã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.
Nông dân xã Hải Yến chăm sóc ngô vụ xuân |
Còn nhớ, những lần về thăm Hải Yến trước đây, đời sống của bà con nông dân chủ yếu dựa vào sản xuất lúa, ngô nên chỉ tạm đủ ăn, cuộc sống cơ bản vẫn rất khó khăn. Cây mận đã được trồng ở Hải Yến từ rất lâu, thích hợp với đồng đất nơi đây. Tuy nhiên, từ năm 2005 trở về trước, cây mận chỉ phát triển lác đác, chưa thực sự trở thành hàng hoá, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Mùa quả chín rộ, ăn không hết, một vài hộ đem ra thành phố bán rất được thị trường ưa chuộng. Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây mận đem lại, trong khi đất vườn, nương bãi thường xuyên bỏ không rất lãng phí, từ năm 2005 trở lại đây, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, các thôn bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tận dụng đất vườn, nương bãi mở rộng diện tích trồng mận. Tính đến nay, toàn xã đã trồng được gần 40 ha mận. Phong trào trồng mận phát triển mạnh, rộng khắp trong 7/7 thôn bản với trên 50% số hộ dân trồng mận. Hộ trồng ít cũng có vài chục cây, hộ trồng nhiều lên đến 200-300 cây. Hai năm trở lại đây, hộ trồng nhiều mận đã đạt mức thu nhập 20-30 triệu đồng/năm, góp phần cải thiện đáng kể đời sống cho bà con nông dân như hộ ông Lương Văn Hiến, thôn Bó Khuông trồng trên 100 cây mận, hàng năm thu nhập được gần 20 triệu đồng. Cùng với cây mận, vùng đất huyện Cao Lộc nói chung, xã Hải Yến nói riêng còn thích hợp với việc trồng cây hồng, nhất là giống hồng Bảo Lâm – loại quả đặc sản nổi tiếng của Cao Lộc. Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ năm 2007 trở lại đây, phong trào trồng hồng Bảo Lâm bắt đầu phát triển mạnh. Các hộ gia đình trồng xem kẽ cây hồng vào cùng vườn mận. Tính đến nay, toàn xã cũng đã trồng được trên 10 ha hồng. Từ năm 2010, giống hồng không hạt Bảo Lâm đã bắt đầu cho thu hoạch.
Bên cạnh đó, trong vài năm trở lại đây, phong trào chăn nuôi hàng hoá trên địa bàn xã cũng đã có bước phát triển. Trong xã hầu như gia đình nào cũng chăn nuôi lợn, qua đó vừa có thêm thu nhập. Hộ nuôi ít thì từ 3-4 con/lứa, có khoảng 10 hộ thường xuyên nuôi trên 10 con/lứa. Nhờ có thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt nên đời sống của nhiều hộ dân đã được cải thiện rõ rệt. Ông Lộc Văn Hợp, thôn Co Riềng cho biết: trước đây, hàng năm gia đình ông chỉ trông chờ vào việc trồng lúa, ngô nên đời sống rất bấp bênh. Nhưng giờ đây với gần 200 cây mận, trong đó trên 50% đã cho thu hoạch, vài chục cây hồng đã bắt đầu bói quả, cộng với gia đình thường nuôi 4 con lợn/lứa và 5 con trâu, hàng năm đã đạt mức thu nhập từ 60-70 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình đã có thêm điều kiện chu cấp cho các con yên tâm học hành. Do có nguồn thu nhập khá ổn định và bền vững từ chăn nuôi và trồng trọt mà người dân trong xã đã có thêm điều kiện để yên tâm chăm sóc, gắn bó với rừng. Vì vậy, trong tổng số gần 2.700 ha rừng, trong đó có một số rừng thông trồng từ năm 1997 chuẩn bị cho thu hoạch nhưng bà con trong xã đều không ai chích nhựa thông, không ai khai thác gỗ thông sớm. Các hộ dân đều coi đây như “của để dành” cho đời con cháu.
Nhờ năng động, mạnh dạn trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân xã Hải Yến hôm nay đã có những đổi thay rõ rệt. Từ chỗ xã còn 50% hộ nghèo vào năm 2005, đến nay toàn xã chỉ còn 7,8%. Nhiều hộ xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố, trên 10 hộ đã xây được nhà 2 tầng, con cái được quan tâm học hành. Đến nay, toàn xã không còn có hộ dân nào phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát.
ĐỨC ANH
Ý kiến ()