Hai vụ việc đáng suy nghĩ
Có hai vụ việc rất đáng suy nghĩ liên quan đến thực thi Luật Giao thông đường bộ được dư luận hết sức quan tâm và đồng tình.
Kiểm tra nồng độ cồn với các tài xế. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Việc thứ nhất là vào ngày 8/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 6 đối tượng nguyên là cán bộ thuộc Đội Cảnh sát giao thông-trật tự Công an thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 2, điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015 xảy ra ngày 4/2/2023. Sai phạm ở đây là các đối tượng dùng thiết bị thổi nồng độ cồn không phải do Bộ Công an cung cấp.
Việc thứ hai là xảy ra với xe biển xanh vi phạm giao thông. Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 2 (Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội) phạt lái xe biển xanh trực thuộc Văn phòng Thành ủy Hà Nội vì lỗi đi lấn đường gây nguy hiểm, ách tắc giao thông trên đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội hôm 10/2 vừa qua, là hoàn toàn đúng.
Sau khi có thông tin phản ánh, tài xế đã báo cáo lãnh đạo Văn phòng Thành ủy Hà Nội đồng thời tới Đội CSGT số 2 để làm bản tường trình theo quy định.
Trước hết, dư luận hoan nghênh tinh thần xử lý nghiêm minh không bao che, dung dưỡng để chìm xuồng sai phạm của công an các đơn vị, địa phương liên quan trong thực thi pháp luật, cho dù sai phạm liên quan trực tiếp tới cán bộ, chiến sĩ trong ngành đang làm nhiệm vụ cũng như liên quan tới phương tiện của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước vi phạm.
Dư luận hoan nghênh tinh thần xử lý nghiêm minh không bao che, dung dưỡng để chìm xuồng sai phạm của công an các đơn vị, địa phương liên quan trong thực thi pháp luật, cho dù sai phạm liên quan trực tiếp tới cán bộ, chiến sĩ trong ngành đang làm nhiệm vụ cũng như liên quan tới phương tiện của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước vi phạm.
Trước luật pháp thì xe biển trắng, biển vàng, biển xanh đều bình đẳng. Khi đã xác định vi phạm, công an làm sai càng phạt, “biển xanh” càng phạt. Vì sao? Vì đó là biểu tượng của cơ quan công quyền, cơ quan thực thi pháp luật trước mắt dân; là biểu tượng của việc “thượng tôn pháp luật” ở các cơ quan, cán bộ nhà nước; là biểu hiện sinh động giữa “nói” và “làm”.
Thứ hai, đã từ lâu, trong dân gian lan truyền chuyện “xử lý nội bộ”, “cho gọi ba sự trợ giúp”, “giơ cao đánh khẽ” với cán bộ công chức, nhất là có chức có quyền khi vi phạm Luật Giao thông trên đường, nếu sai phạm thì được du di, chỉ nhắc nhở rồi tha bổng; còn “dân đen chân trắng” không “quan hệ”, không “tiền tệ” thì đè phạt nặng.
Chưa kể những xầm xì tiêu cực, chạy chọt cả hai phía để đôi bên cùng có lợi mà báo chí, cơ quan chức năng từng phanh phui không chỉ vụ việc mà cả đường dây chung chi lâu nay. Hai vụ việc trên là cảnh báo tốt cho việc tiếp tục loại bỏ những thói quen xấu, dẹp bỏ những dư luận xấu không nên tồn tại.
Thứ ba, trong vụ việc ở Hải Dương, công luận mong muốn cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ sai phạm “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong trường hợp này là gì? Chỉ với một số người hay là có tổ chức? Số thiết bị ấy từ đâu ra, phạm vi sử dụng trong lực lượng thực thi pháp luật như thế nào, tác hại ra sao? Xử lý những sai phạm này là cần thiết trong bối cảnh việc thực thi Nghị định của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công an đối với sai phạm nồng độ cồn, xe quá tải trọng… trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 đang có những chuyển biến tích cực, được dư luận theo dõi và hoan nghênh.
Trong một nhà nước pháp quyền, sai ở đâu cũng phải xử lý, sai ở trong nội bộ cơ quan công quyền càng phải xử lý. Càng “biển xanh”, càng “người Nhà nước” thì càng phải tuân thủ nghiêm pháp luật, nếu không, sao còn làm gương cho người khác? Càng là quân nhân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thực thi pháp luật càng phải đúng.
Làm mà sai, dân biết tin ai? Cùng ngày 8/2 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã phê chuẩn các quyết định của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh là kịp thời. Và ngay khi có thông tin và dư luận bức xúc, đại diện lãnh đạo Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã xác nhận lái xe Văn phòng Thành ủy này vi phạm Luật Giao thông và phải chịu trách nhiệm theo quy định, đồng thời thông báo rộng rãi tới cán bộ, công nhân, viên chức cơ quan Văn phòng Thành ủy, nhất là đội ngũ lái xe phải chấp hành nghiêm pháp luật. Sự công khai minh bạch đó rất đáng hoan nghênh.
Theo Cục CSGT, riêng trong 5 ngày Tết Quý Mão, trên tuyến đường bộ, CSGT đã kiểm tra phát hiện 14.620 trường hợp vi phạm, phạt 32,3 tỷ đồng, tạm giữ hơn 7.000 phương tiện. Riêng vi phạm nồng độ cồn đã xử lý hơn 5.000 trường hợp, tăng 4.321 trường hợp so với Tết Nhâm Dần. Nói “không” với rượu bia nếu lái xe, đã và đang trở thành phản xạ tốt của cán bộ, công chức, người lao động, của cả người dân, không chỉ ở thành phố mà cả nông thôn, vùng xa, vùng sâu.
Nét đẹp, sự kỷ cương đó cần phải được cổ vũ, khuyến khích, nhân lên, duy trì! Và để thực hiện được điều đó, lẽ tất yếu phải nghiêm khắc xử lý các sai phạm, nhũng nhiễu, trục lợi từ chủ trương và phong trào đó dưới bất kỳ hình thức nào. Để phong trào không bị lắng xuống sau ra quân rầm rộ. Bệnh nhẹ không bị nhờn thuốc, rồi thành nặng.
Nói “không” với rượu bianếu lái xe, đã và đang trở thành phản xạ tốt của cán bộ, công chức, người lao động, của cả người dân, không chỉ ở thành phố mà cả nông thôn, vùng xa, vùng sâu.
Trong quá trình đó, rất cần sự nêu gương nghiêm minh của các cơ quan chức năng, thực thi công vụ, của các cơ quan, tổ chức, ban, ngành trong quản lý giáo dục cán bộ của mình nghiêm chỉnh tự giác chấp hành pháp luật.
https://nhandan.vn/hai-vu-viec-dang-suy-nghi-post739810.html
Theo Nhandan
Ý kiến ()