Hội thảo khoa học “Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều tiết kinh tế vĩ mô” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) và Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tổ chức.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính Vũ Nhữ Thăng, thời gian qua, Chính phủ đã có sự điều hành quyết liệt, theo đó nhiều gói giải pháp đã được đưa ra, phối hợp tốt chính sách tiền tệ, tài khóa. Trong quý 1-2012 đã có những chuyển biến tích cực: Giá cả, thị trường khá ổn định, chỉ số giá tăng thấp nhất so nhiều năm qua; xuất khẩu tăng cao, nhập siêu giảm mạnh, góp phần cân đối ngoại tệ, ổn định tỷ giá và dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); lãi suất tín dụng đã có xu hướng giảm; thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc.
Đánh giá thực trạng phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của nước ta từ năm 2008 đến nay, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá đã có sự phối hợp đồng bộ và linh hoạt, góp phần ngăn chặn đà suy giảm kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, trong việc kiềm chế lạm phát, hai chính sách này lại thiếu sự phối hợp, thể hiện là lạm phát luôn cao (năm 2008 là 20%, năm 2010 là 11,75% và năm 2011 lên tới 18,13%).
Sự thiếu phối hợp giữa hai chính sách trong việc xác định lãi suất trái phiếu chính phủ cũng là nguyên nhân gây bất ổn lãi suất và tình trạng lãi suất cao trên thị trường.
Ngoài ra, sự thiếu phối hợp còn thể hiện trong điều hành chính sách. Trong nhiều trường hợp, khi chính sách tiền tệ thực hiện theo hướng thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát thì chính sách tài khóa lại nới lỏng khi tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện.
Để nâng cao chất lượng tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần hợp lý, hài hòa và đồng bộ hơn nữa, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, ổn định tăng trưởng và kiềm chế lạm phát thông qua các cân đối về chi tiêu và đầu tư công, bội chi ngân sách với các chỉ tiêu về tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn để hạn chế tối đa các rủi ro đối với nền kinh tế.
Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận sự phối hợp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa nhịp nhàng, liều lượng và mức độ sử dụng các công cụ từng thời kỳ chưa thực sự tạo ra sức mạnh kết hợp tổng thể. Trong khi lãi suất giảm để hỗ trợ doanh nghiệp thì cùng lúc giá xăng, điện lại tăng; hay khi tín dụng được nới rộng thì những chính sách tài khóa lại chưa theo kịp để phát triển đầu tư…
TS Đào Minh Tú kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN cần thiết lập cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin thường xuyên, đáng tin cậy phục vụ quá trình dự báo và hoạch định chính sách trong ngắn hạn cũng như dài hạn; Thiết lập cơ chế đóng góp và tham gia ý kiến trực tiếp giữa các đơn vị chức năng của hai cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách;…
Phó chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính Hà Huy Tuấn nhấn mạnh, để giữ ổn định an ninh tài chính cần phải phối hợp đồng bộ cả hai chính sách trên. Bộ Tài chính và NHNN phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ (thời gian, khối lượng, lãi suất…), tránh gây nên sự bất ổn cho thị trường tài chính và nền kinh tế như những năm qua. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh cân đối chi ngân sách nhà nước thường xuyên và chi đầu tư, tinh giảm bộ máy hành chính… góp phần giảm thâm hụt ngân sách và nâng cao tính an toàn cho tài chính quốc gia.
Ý kiến ()