Hai thành viên Nội các Nhật Bản đến viếng đền Yasukuni
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi đồ lễ trong khi Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi và Bộ trưởng Giáo dục Koichi Hagiuda thân chinh đến viếng đền Yasukuni.
Ngày 15/8, Thủ tướng Shinzo Abe đã gửi đồ lễ tới đền Yasukuni – vốn bị các nước láng giềng châu Á xem là một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ – đúng dịp 75 năm ngày Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Thủ tướng Abe không thực hiện chuyến thăm cá nhân đến ngôi đền này, hành động được cho là nhằm tránh gây ra những căng thẳng không cần thiết trong quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hiện cũng là thời điểm nhạy cảm trong quan hệ của Tokyo với hai nước láng giềng này khi Bắc Kinh liên tiếp điều tàu vào vùng biển tranh chấp, thách thức những thành quả trong cải thiện quan hệ song phương.
Trong khi đó, quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua liên quan đến việc đền bù cho các nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức thời chiến và các tranh cãi thương mại sau khi Tokyo siết chặt kiểm soát xuất khẩu.
Tuy nhiên, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi đã đến viếng đền.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2016, một thành viên trong nội các của Thủ tướng Abe đến viếng ngôi đền này. Sau ông Koizumi, Bộ trưởng Giáo dục Koichi Hagiuda cũng đã đến viếng.
Đền Yasukuni được xây dựng năm 1896 để tưởng nhớ những người đã cống hiến cuộc đời mình cho đất nước Nhật Bản.
Hơn 2,5 triệu người dân Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai được thờ tự tại đây, mà theo các nước láng giềng, trong đó có cả các tội phạm chiến tranh hạng A.
Hàn Quốc và Trung Quốc coi đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật thế kỷ 20 và cho rằng việc các quan chức hay nghị sỹ Nhật Bản viếng đền là nhằm “đánh bóng” lịch sử thời chiến của nước mình.
Các động thái tương tự của Thủ tướng Abe cũng như những chuyến viếng thăm ngôi đền này của các nghị sỹ hay bộ trưởng Nhật Bản đều đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hai nước láng giềng Đông Bắc Á./.
Ý kiến ()