Hai sự kiện “xông đất” văn hóa đầu năm
Hai sự kiện ra mắt sách của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam sẽ mở đầu cho các sự kiện văn hóa của năm mới Quý Mão. Hai cuốn sách “3000 ngày trên đất Nhật” của tác giả Nguyễn Quốc Vương và bộ tiểu thuyết lịch sử “Công chúa Đồng Xuân” của nhà văn Trần Thùy Mai sẽ được giới thiệu tới độc giả trong ngày thứ 7 và chủ nhật tới tới, 28 và 29/1 (tức ngày mùng 7 và 8 Tết).
Bộ tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân”. (Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam) |
“3000 ngày trên đất Nhật” là tự truyện của tác giả Nguyễn Quốc Vương, ghi lại những ấn tượng và sự xúc động của mình trong những năm tháng du học ở Nhật.
Tự truyện “3000 ngày trên đất Nhật”. (Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam) |
Cuốn sách vừa giúp bạn đọc hiểu thêm về văn hóa, phong tục của Nhật, vừa cho thêm những suy ngẫm về cuộc sống của du học sinh và cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Liệu cuộc sống của du học sinh Việt Nam tại Nhật có toàn màu hồng như những quảng cáo của các công ty môi giới xuất khẩu lao động?
Cuốn tự truyện “3000 ngày trên đất Nhật” là câu chuyện rất riêng của tác giả nhưng cũng gợi ra nhiều suy ngẫm cho người đọc. Nhất là với các bạn trẻ trên con đường tìm hướng đi mới cho bản thân, dám bước ra khỏi vùng an toàn để có được lối đi riêng.
Buổi giao lưu ra mắt sách diễn ra lúc 9 giờ ngày 29/1 (tức ngày 8 Tết), với sự hiện diện của tác giả Nguyễn Quốc Vương và Giám đốc Trung tâm tiếng Nhật Daruma Nihongo Nguyễn Bảo Ly.
Bộ tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân” có thể được xem là phần tiếp theo của Từ Dụ thái hậu, cùng với Từ Dụ thái hậu hợp thành bộ tiểu thuyết lịch sử đầy đủ về triều Nguyễn. Nếu Từ Dụ thái hậu là thời thịnh Nguyễn (trải 30 năm, từ Gia Long đầu triều đến đầu thời Tự Đức), thì “Công chúa Đồng Xuân” tái hiện khoảng 40 năm đầy biến động tang thương trải từ năm 1859 đến năm 1900. Bộ tiểu thuyết được xây dựng đồ sộ 66 chương với hàng trăm nhân vật, hầu hết là các nhân vật có thật trong lịch sử. Nhân vật Từ Dụ có cuộc đời trải dài suốt triều Nguyễn, trong “Công chúa Đồng Xuân” vẫn là một nhân vật mang tính “nền tảng”. Khác với Từ Dụ thái hậu đặc tả chuyện “cung đấu”, chuyện quân thần thời thịnh trị; “Công chúa Đồng Xuân” theo dòng lịch sử kể lại những chính biến kinh hoàng, với xương sống là việc thực dân Pháp dần chiếm nước ta, biến nước ta thành nước bị đô hộ, triều đình nhà Nguyễn mất dần quyền lực và trở thành con rối. Có thể nói qua tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân”, người đọc có dịp nhìn lại đầy đủ và thấu đáo sử Việt thời đầu Pháp thuộc, từ đó nhìn thời hiện đại một cách “biện chứng” hơn.
Vấn đề lịch sử quan trọng và dữ dội đó, qua ngòi bút tài hoa của nữ nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai, được gói trong câu chuyện về một nàng công chúa. Đó là công chúa Gia Phúc, con gái của vua Thiệu Trị, nàng công chúa xinh đẹp của kinh thành Huế.
Nhà văn Trần Thùy Mai từng được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải nhất Tiểu thuyết 2016-2019 với tác phẩm “Từ Dụ Thái hậu”.
Buổi giao lưu ra mắt sách diễn ra vào 15 giờ, thứ bảy, ngày 28/1/2023 (tức 7 Tết Quý Mão), với sự tham dự của một số nhà văn tên tuổi.
https://nhandan.vn/hai-su-kien-xong-dat-van-hoa-dau-nam-post736135.html
Ý kiến ()