Hải quan Lạng Sơn trước yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển
(LSO) – Lạng Sơn là tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài trên 231,7 km tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), có 2 cửa khẩu quốc tế (Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng), 1 cửa khẩu chính (cửa khẩu Chi Ma) và 9 cửa khẩu phụ nằm trên địa bàn 5 huyện biên giới: Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình và Đình Lập. Nằm trong trục tứ giác kinh tế trọng điểm Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Lạng Sơn là đầu mối giao lưu quan trọng của tuyến hành lang kinh tế và vành đai kinh tế ven vịnh Bắc Bộ, là tuyến đường huyết mạch xuyên Á, điểm nối quan trọng, trung chuyển hàng hoá thông thương giữa các nước ASEAN với Trung Quốc và ngược lại.
Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị làm thủ tục tiếp nhận tờ khai hàng hóa cho doanh nghiệp. Ảnh: LƯU VŨ
Với bề dày lịch sử, văn hoá, truyền thống yêu nước cách mạng và sự phấn đấu nỗ lực không ngừng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn đã đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà, từng bước hội nhập sâu rộng, thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò cầu nối phát triển kinh tế, văn hoá, thương mại, quan hệ đối ngoại, quốc phòng an ninh của địa phương và đất nước. Những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Cục Hải quan Lạng Sơn trong suốt 65 năm, kể từ khi được thành lập đến nay. Từ thời điểm mới thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, đến giai đoạn Lạng Sơn thành “cảng nổi” của cả nước như hiện nay, Cục Hải quan Lạng Sơn đã không ngừng đổi mới, chủ động đi đầu trong cải cách hành chính, là một trong những đơn vị đầu tiên của ngành hải quan triển khai, áp dụng Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; mỗi năm làm thủ tục cho gần 3.000 doanh nghiệp với kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu đạt trên 4 tỷ USD/năm, góp phần nâng cao tổng thu ngân sách hằng năm trên địa bàn tỉnh; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh minh bạch và thông thoáng hơn, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu tại địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các khu vực cửa khẩu.
Hải quan cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng kiểm tra hàng thép nhập khẩu. Ảnh: TRÍ DŨNG
Xu thế hội nhập đang tiếp tục mở ra những cơ hội mới, đó là cơ hội hợp tác và phát triển trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ… đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới đối với Lạng Sơn và đất nước. Sự tham gia ngày càng đầy đủ vào các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời với xoá bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan là thách thức lớn đối với công tác quản lý xuất nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu.
Trong thời gian tới, Cục Hải quan tỉnh cần chủ động rà soát, nghiên cứu để đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện những cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực hải quan phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, của đất nước và xu thế hội nhập; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian thông quan hàng hóa, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp, bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh biên giới, cửa khẩu; bảo đảm các hoạt động xuất nhập khẩu an ninh, an toàn, đúng quy định của pháp luật. Chú trọng chăm lo công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hải quan giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tác phong làm việc chuyên nghiệp, kỷ cương và liêm chính.
Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành của Hải quan Lạng Sơn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan, cấp uỷ, chính quyền tỉnh nhà, bằng sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo và quyết tâm, chắc chắn rằng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với ngành trong thời kỳ mới.
L.T.P.T
Ý kiến ()