Hải quan Lạng Sơn: Tích cực triển khai hệ thống thông quan tự động
LSO-Nằm trong chiến lược cải cách hiện đại hóa hải quan, Hải quan Lạng Sơn đã luôn đi đầu trong triển khai, đầu tư công nghệ, phục vụ khách hàng xuất nhập khẩu. Một trong những chương trình hiện đại đang được Hải quan Lạng Sơn thực hiện có hiệu quả là hệ thống VNACCS/VCIS.
LSO-Nằm trong chiến lược cải cách hiện đại hóa hải quan, Hải quan Lạng Sơn đã luôn đi đầu trong triển khai, đầu tư công nghệ, phục vụ khách hàng xuất nhập khẩu. Một trong những chương trình hiện đại đang được Hải quan Lạng Sơn thực hiện có hiệu quả là hệ thống VNACCS/VCIS.
Cán bộ hải quan cập nhật phần mềm thông quan tự động |
Chúng tôi được chứng kiến buổi vận hành thử hệ thống VNACCS/VCIS hay còn gọi là chương trình thông quan tự động hàng hóa xuất nhập khẩu cho cán bộ chủ chốt tại Cục Hải quan Lạng Sơn. Trao đổi với anh Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, anh cho biết, đây là hệ thống nhằm hiện đại hóa hải quan, góp phần đẩy nhanh tiến độ hàng hóa xuất nhập khẩu. Hệ thống thuộc dự án ODA do chính phủ Nhật Bản viện trợ. Mục tiêu của dự án là chuyển giao cho Hải quan Việt Nam hệ thống tự động hóa đang được áp dụng tại Nhật Bản. Trong tương lai đây sẽ là công cụ hữu hiệu cho hỗ trợ hải quan cũng như các cơ quan có liên quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan. Có thể nói đây là hệ thống mà hải quan, cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu bắt buộc phải thực hiện để theo đúng đà phát triển cũng như lộ trình cam kết quản lý hải quan khu vực, đồng bộ hóa với thông lệ quốc tế về quản lý hải quan.
Như vậy, đây có thể coi là một bước cải cách hiện đại hóa hải quan theo cơ chế một cửa nhằm phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngay sau khi được triển khai hệ thống, Hải quan Lạng Sơn đã tăng cường nắm bắt chuyển giao và trở thành một trong những đơn vị đầu tiên cập nhật, chạy thử hệ thống. Để hệ thống triển khai đồng bộ, hải quan đã tập trung vào công tác đào tạo. Cho đến nay, Hải quan Lạng Sơn đã tổ chức được 5 lớp tập huấn hệ thống thông quan tự động cho 360 lượt cán bộ công chức, 1 lớp đào tạo cho 200 doanh nghiệp. Cài đặt phần mềm đầu cuối cho 10 đơn vị hải quan, đặc biệt là hải quan cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng…Với hệ thống thông quan tự động, do tính chất tiện ích, chính xác, khoa học của hệ thống đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Đồng thời đòi hỏi người sử dụng phải hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ. Bà Vũ Thị Bích Hải, Công ty xuất nhập khẩu Hải Hà khẳng định: sử dụng hệ thống thông quan tự động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian thông quan, thời gian cập nhật hệ thống nhanh nên đã tạo nhiều tiện ích cho doanh nghiệp.
Cho tới nay đã có 63 doanh nghiệp tham gia chạy thử với tổng số lượt sử dụng đạt 30.284 lượt. Tổng số tờ khai chạy thử đã đạt 80 tờ khai với 139 lượt cán bộ hải quan tham gia sử dụng hệ thống. Lạng Sơn là một tỉnh có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, được coi là cảng đường bộ lớn nhất khu vực phía Bắc, vì vậy việc chạy thử hệ thống đã có tác dụng kích thích các doanh nghiệp thông quan tự động góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa hải quan. Để ứng dụng hệ thống thông quan tự động, các doanh nghiệp cần đăng ký chữ ký điện tử trong thực hiện hải quan điện tử. Sau khi đăng ký, các doanh nghiệp được cấp tài khoản sử dụng hệ thống, có máy tính nối mạng và cài đặt đường truyền đầu cuối. Toàn bộ những điều đó sẽ được hải quan phối hợp trang bị đủ điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện tham gia hệ thống, qua đó phối hợp với hải quan tạo một dây chuyền đồng bộ thực hiện thông quan tự động.
Theo lộ trình, đến ngày 1/4/2014, Hải quan Lạng Sơn sẽ vận hành chính thức hệ thống, như vậy việc xử lý thông quan phần mềm hải quan điện tử 4.0 hiện nay sẽ hoàn thành sứ mệnh của nó để thay thế bằng hệ thống VNACCS/VCIS hiện đại và tiện ích hơn. Để vận hành thành công hệ thống như hiện nay là sự nỗ lực của ngành hải quan, cộng đồng doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hải quan phục vụ xuất nhập khẩu làm giàu cho đất nước nói chung và Lạng Sơn nói riêng.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()