Hải quan Lạng Sơn: Tạo thuận lợi thương mại, thu hút đầu tư
(LSO) – Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh, cùng với các sở, ngành và các huyện biên giới, Cục Hải quan Lạng Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK).
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, việc tạo thuận lợi thương mại đã và đang được ngành hải quan chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp như: cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian sau thông quan, triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động,… nhằm hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho XNK hàng hóa.
Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị kiểm tra thông số phương tiện vận tải nhập khẩu
Theo đó, trong năm 2019, Cục Hải quan Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước về hải quan trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống thông tin tập trung của ngành. Việc khai báo hải quan qua hệ thống VNACCS/VCIS của hải quan Lạng Sơn đã được hầu hết các doanh nghiệp hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn thực hiện (đến thời điểm hiện tại, đã có 95% số doanh nghiệp thực hiện khai báo qua hệ thống).
Như tại Chi cục Hải quan Tân Thanh luôn đảm bảo đường truyền VNACCS/VCIS, các ứng dụng chương trình nghiệp vụ hoạt động thông suốt. Qua đó kịp thời hỗ trợ và thực hiện thông quan hàng hóa XNK một cách nhanh nhất. Theo bà Đào Thu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, đơn vị thực hiện đo thời gian giải phóng hàng, phạm vi đo gồm: các khoảng thời gian xử lý tác nghiệp của cán bộ hải quan từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai hải quan đến khi cơ quan hải quan quyết định thông quan cho lô hàng. Nếu thời gian thông quan chậm so với thời gian quy định mà không phải lỗi của doanh nghiệp thì chi cục sẽ xử lý ngay đối với cán bộ phụ trách làm thủ tục lô hàng đó.
Cũng giống như Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, tất cả các chi cục hải quan tại các cửa khẩu đều thực hiện đo và giám sát chặt chẽ thời gian thông quan hàng hóa. Việc giám sát được thực hiện qua hệ thống toàn Cục Hải Quan, do vậy, cán bộ luôn phải hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Từ đầu năm 2019 đến hết tháng 9/2019, toàn Cục Hải quan đã làm thủ tục cho hơn 2.500 lượt doanh nghiệp với 79 nghìn bộ tờ khai hàng hóa XNK, chưa có trường hợp nào phản ánh về tình trạng chậm thời gian thông quan hàng hóa.
Không chỉ vậy, lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi cục hải quan tại các cửa khẩu, các bộ phận chuyên môn niêm yết công khai các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành để doanh nghiệp tra cứu. Hiện nay, ngành có gần 180 TTHC có hiệu lực thi hành, trong đó ở cấp cục gần 30 thủ tục, cấp chi cục trên 110 thủ tục, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đều được niêm yết công khai.
Hiện nay, Hải quan Lạng Sơn đang triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM). Đây là hệ thống hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm tiến tới thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Không những vậy, hệ thống VASSCM sẽ giúp các doanh nghiệp XNK không phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hải quan, từ đó giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại, giảm chi phí, rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan hàng hóa, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hoàng Tuấn nhấn mạnh: Tạo thuận lợi thương mại là giải pháp để nâng cao hoạt động giao thương của doanh nghiệp, qua đó góp phần thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào Lạng Sơn, nhất là đầu tư vào khu vực kinh tế cửa khẩu. Thời gian tới, Hải quan Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, thủ tục liên quan đến lĩnh vực hải quan. Cùng đó là đẩy mạnh hiện đại hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực: quản lý, giám sát hàng hóa XNK, thu thuế XNK… Bên cạnh đó, Cục Hải quan Lạng Sơn sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp khác nhằm tạo thuận lợi cho thương mại biên giới theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan.
Hải quan Lạng Sơn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
(LSO) – Tạo thuận lợi thương mại được đánh giá là giải pháp hiệu quả để nâng cao hoạt động giao thương của doanh nghiệp. Giải pháp này luộn được Hải quan Lạng Sơn chú trọng thực hiện. Phóng viên Báo Lạng Sơn phỏng vấn nhanh ý kiến một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, đầu tư kinh doanh bến bãi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thanh Phát: “Cán bộ Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Với lĩnh vực hoạt động chính là cung cấp dịch vụ bến bãi và xuất nhập khẩu hàng hóa qua khu vực cửa khẩu Tân Thanh và Bình Nghi, thời gian qua, công ty luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu, nhất là lực lượng Hải quan Lạng Sơn. Đặc biệt, cơ quan hải quan đang nỗ lực kết nối, chia sẻ thông tin, áp dụng hệ thống điện tử để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm nhiều chi phí, thời gian đi lại. Gần đây nhất, Chi cục Hải quan Tân Thanh đã ký kết hợp tác với các công ty về triển khai hệ thống hải quan tự động. Sự hợp tác này cho thấy cơ quan hải quan luôn nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tạo thuận lợi thương mại khu vực biên giới.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phân Đầu tư Thăng Long: “Phối hợp triển khai hệ thống hải quan tự động, giúp doanh nghiệp giảm chi phí”.
Trong tháng 9 vừa qua, các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh kho, bến bãi tại khu vực cửa khẩu đã thực hiện ký kết hợp tác với chi cục hải quan tại các cửa khẩu trong việc triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động. Sau khi ký kết, cơ quan hải quan đã chủ động lắp đặt hệ thống máy móc, hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện. Việc làm này của Hải quan Lạng Sơn đã đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh kho, bến bãi và doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Việc phối hợp với đơn vị hải quan triển khai hệ thống hải quan tự động đã giúp doanh nghiệp kiểm tra, giám sát hàng tại kho, bãi đều trên hệ thống máy móc, qua đó giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp chúng tôi.
Ý kiến ()