Chủ nhật, 24/11/2024 14:43 [(GMT +7)]
Hải quan Lạng Sơn: Ngăn buôn lậu lách 254 từ tuyến 1
Thứ 5, 20/12/2012 | 14:12:00 [(GMT +7)] A A
Tuy nhiên để ngăn chặn có hiệu quả hàng lậu lách Quyết định 254 thì cần có chính sách vĩ mô hơn. Cụ thể cần hoàn thiện thông tư 10. Có chính sách cụ thể đối với hàng hóa trao đổi ở khu vực biên giới. Các lực lượng chức năng cần ngăn chặn quyết liệt không chỉ trên tuyến biên giới mà còn phải ngăn chặn ở cả khâu lưu thông và nội địa. Có như vậy mới giải quyết triệt để hàng lậu dựa chính sách.
LSO-Với mục tiêu không để hàng lậu núp danh nghĩa hàng theo Quyết định 254 vào nội địa, Cục Hải quan Lạng Sơn đã tăng cường đấu tranh chống hàng lậu ngay từ tuyến quốc lộ 1. Qua đó hàng hóa ra vào biên giới đã được kiểm soát, giảm đáng kể tình trạng buôn lậu lách quy định của Chính phủ.
Bộ đội Biên phòng và Hải quan Tân Thanh kiểm tra hàng cư dân biên giới
Những ngày này, lực lượng chống buôn lậu như hải quan, bộ đội biên phòng đang căng mình ra khắp tuyến biên giới ngăn hàng lậu. Các đường mòn, đường tắt qua biên giới đều đã bị bịt kín, chốt chặn. Nhiều khu vực, lực lượng chức năng đã rào đường, đào hào để cản hàng lậu. Điểm buôn lậu xưa như Bãi Gianh, đường 05, 06, hang Dơi, Gốc Nhãn, Gốc Bưởi không còn là nơi buôn lậu hoành hành. Tình hình buôn lậu ở dọc tuyến biên giới đã được kiểm soát. Khi hàng lậu không vào được nội địa, các chủ hàng buộc phải đi lậu bằng cách lợi dụng cư dân biên giới vận chuyển thuê.
Theo Quyết định 254/2006/QĐ-TTg ngày 7/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới, mỗi cư dân biên giới được trao đổi hàng hóa dưới 2 triệu đồng một người mỗi ngày. Quyết định này là chính sách tạo điều kiện cho cư dân biên giới nâng cao mức sống, có điều kiện trao đổi những mặt hàng thiết yếu với nước bạn. Tuy nhiên không phải tất cả các mặt hàng đều được phép trao đổi. Theo Thông tư số 10/2010/TT-BCT quy định hàng hóa được sản xuất từ nước có chung biên giới nhập khẩu vào nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới hình thức mua, bán trao đổi hàng hóa cư dân biên giới thời kỳ 2010-2012 thì cư dân biên giới chỉ được phép trao đổi trên 30 mặt hàng thiết yếu. Để vận chuyển hàng lậu vào nội địa, các chủ hàng thuê cư dân biên giới vận chuyển nhiều lần, mỗi lần nhiều mặt hàng khác nhau. Và để vận chuyển được nhiều hàng họ phải khai trị giá hàng thấp hơn so với thực tế. Khi các ngả đường bị chốt chặn, lượng người mang vác thuê bắt đầu đổ về các cửa khẩu. Có ngày lượng người mang vác thuê hàng 254 lên tới hàng ngàn người. Điều đó đã gây nên sự khó kiểm soát ở các cửa khẩu. Mặc dù lực lượng hải quan, biên phòng đã phải dồn lực lượng ra để đối phó.
Có mặt tại Cửa khẩu Tân Thanh ngày 10/12/2012, chúng tôi được chứng kiến hàng ngàn cư dân biên giới được các chủ hàng thuê chở hàng vào nội địa, gây tình trạng khó kiểm soát ở cửa khẩu. Nếu cho người dân kê khai, xác định hàng của cư dân biên giới thì lực lượng chức năng ở cửa khẩu khó có thể kham nổi, vì trung bình kê khai, kiểm tra mỗi người mất 10 phút. Hàng ngàn người như vậy, lực lượng chức năng sẽ khó có thời gian làm xuể. Trong khi đó phần lớn hàng nằm ngoài danh mục được phép trao đổi.
Để ngăn hàng lậu, lực lượng hải quan đã chốt chặt cửa khẩu, tổ chức phát tờ khai cho cư dân biên giới kê khai các mặt hàng, dựa vào giá tài chính để xác định giá trị hàng hóa. Cùng thời điểm đó lực lượng hải quan, biên phòng kiểm tra giấy tờ hợp lệ của cư dân biên giới. Qua kiểm tra xác suất một ngày, số lượng người có giấy tờ, thu gom hàng hợp pháp chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại chủng loại hàng hóa, giá trị hàng đều không hợp lệ.
Ông Nguyễn Công Trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan cho biết, trước việc hàng lách 254 dồn ra các cửa khẩu, hải quan đã tăng cường huy động lực lượng, chốt chặn, phân loại hàng hóa hợp pháp của cư dân biên giới. Đồng thời tuyên truyền cho người dân, vì thế cơ bản người dân đã hiểu và lượng hàng đã giảm đi đáng kể. Lực lượng hải quan đã yêu cầu kiểm soát số lượt từng người dân qua lại và số lượng hàng. Áp dụng phần mềm quản lý người qua cửa khẩu nên tình trạng đi lại nhiều lần, trao đổi hàng hóa vượt mức cho phép đã bị khống chế. Chỉ trong vòng 1 tuần các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam đã kiểm soát trên 4 ngàn lượt người qua lại, ngăn chặn hàng ngàn lượt hàng không đảm bảo tiêu chuẩn theo Quyết định 254. Kiểm soát giá cả để khống chế các mặt hàng không đúng theo Thông tư 10 được trên 1 ngàn lượt. Và như vậy ngay từ tuyến 1 hàng lậu đã bị ngăn chặn khá triệt để. Ông Hoàng Khánh Hòa, Cục phó Cục Hải quan cho biết, để chống hàng lậu, Cục đã tăng cường cán bộ cho các cửa khẩu. Hiện nay các chi cục đã kiểm soát được hàng lách Quyết định 254 để buôn lậu.
Tuy nhiên để ngăn chặn có hiệu quả hàng lậu lách Quyết định 254 thì cần có chính sách vĩ mô hơn. Cụ thể cần hoàn thiện thông tư 10. Có chính sách cụ thể đối với hàng hóa trao đổi ở khu vực biên giới. Các lực lượng chức năng cần ngăn chặn quyết liệt không chỉ trên tuyến biên giới mà còn phải ngăn chặn ở cả khâu lưu thông và nội địa. Có như vậy mới giải quyết triệt để hàng lậu dựa chính sách.
Nguyễn Nhật Anh
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()