Hải quân các nước Nam Mỹ muốn “làm mới” hạm đội tàu ngầm
Lực lượng hải quân các nước Nam Mỹ đang sở hữu 24 tàu ngầm diesel-điện, trong đó phần lớn là tàu ngầm Type 209 của Đức được mua mới hoặc cũ trong thập niên 1970 và 1980. Điều này đòi hỏi hải quân các nước Nam Mỹ sớm “làm mới” hạm đội tàu ngầm của mình trong tương lai.
Theo mega-defense.fr, vào giữa những năm 2000, Hải quân Chile là khách hàng đầu tiên đặt mua 2 tàu ngầm Scorpène của Pháp. Tiếp theo đó, Hải quân Brazil ký hợp đồng mua 4 tàu ngầm Scorpène, trong đó chiếc đầu tiên đi vào hoạt động từ tháng 12-2022.
Tuy nhiên, hải quân các nước Nam Mỹ hiện vẫn còn 16 tàu ngầm Type 209 sắp đến tuổi nghỉ hưu và cần được thay thế trong những năm tới. Đây là loại tàu ngầm có 4 động cơ diesel 6.100 mã lực do Tập đoàn Howaldtswerke-Deutsche Werft (HDW, Đức) nghiên cứu, thiết kế cho mục đích xuất khẩu.
Việc thay thế các tàu ngầm Type 209 trở nên cấp bách đối với Hải quân Argentina khi 2 tàu ngầm Type 209 mang tên Salta và Santa Cruz lần lượt đi vào hoạt động vào năm 1973 và 1984 đến nay đã lỗi thời. Tình hình cũng không khả quan hơn đối với Hải quân Colombia khi hai tàu ngầm Type 209 là ARC Pijao và ARC Tayrona hoạt động được gần 50 năm và đã khá cũ. Ngoài ra, năm 2011, Hải quân Colombia còn mua lại của Đức hai tàu ngầm Type 206 là ARC Intrépido và ARC Indomable mà quốc gia châu Âu từng sử dụng trong những năm 1974-1975. Ecuador cũng sở hữu 2 tàu ngầm diesel-điện có tuổi thọ 45-46 năm…
Hiện nay, hải quân các nước Nam Mỹ đang nghiên cứu khả năng thay thế 12 tàu ngầm Type 209 và 2 tàu ngầm Type 206. Nhu cầu đổi mới hạm đội tàu ngầm ở Nam Mỹ giai đoạn đầu đang tạo nên cuộc đua giữa các nhà đóng tàu hàng đầu thế giới. Hiện có 8 tập đoàn sẵn sàng cung cấp cho hải quân Nam Mỹ 11 mẫu tàu ngầm, trong đó 4 nhà đóng tàu châu Âu cung cấp 6 mẫu. Cụ thể, Đức giới thiệu tàu ngầm Type 212 và 214 của Tập đoàn TKMS; Tây Ban Nha giới thiệu tàu ngầm S-80 của Tập đoàn Navantia; Pháp giới thiệu tàu Scorpène và Shortfin Barracuda của Tập đoàn Naval và Thụy Điển giới thiệu tàu A26 Blekinge của Tập đoàn Kockums.
Hải quân Peru biên chế 6 tàu ngầm thông thường, trong đó có 4 chiếc Type 209 và 2 chiếc Type 206. Ảnh: meta-defense.fr |
Hàn Quốc chắc chắn chào hàng tàu ngầm tấn công tên lửa đạn đạo Dosan Ahn Changho, còn Nhật Bản sẽ cung cấp Taïgei-con tàu đầu tiên được trang bị pin lithium-ion. Trung Quốc sẵn sàng cung cấp tàu ngầm lớp Type 039 với hiệu quả kinh tế cao, trong khi Nga có thể cung cấp tàu ngầm Kilo cải tiến 636.3 và tàu ngầm diesel-điện thế hệ thứ tư (còn gọi là Lada).
Trong số 8 nhà cung cấp trên, các tập đoàn đóng tàu của Pháp và Đức đang có lợi thế hơn cả. Những chiếc tàu ngầm Type 209 của Đức đã cho thấy hiệu quả và tuổi thọ của chúng trong gần 50 năm hoạt động trong lực lượng Hải quân Nam Mỹ. Các thủy thủ và nhân viên bảo trì đã quen cung cách làm việc với các đối tác Đức, điều này tạo thuận lợi đơn giản hóa quá trình chuyển đổi sang các tàu thế hệ mới.
Về phần mình, Tập đoàn Naval của Pháp có thể dựa vào thành tích xuất sắc của Scorpène để chào bán tàu ngầm này với cam kết chuyển giao công nghệ thiết kế tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên cho Nam Mỹ.
Trong khi đó, tàu S-80 tuy đắt tiền và chưa thể hiện được hiệu quả, nhưng Tây Ban Nha có thể dựa vào sự gần gũi về văn hóa để tiếp cận thị trường Nam Mỹ-nơi tất cả người dân đều nói tiếng Tây Ban Nha.
Trung Quốc cũng là một nhà cung cấp tiềm năng khi quốc gia này có mối quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với khu vực Nam Mỹ. Kể từ năm 2005, Trung Quốc đã cấp khoản vay trị giá 130 tỷ USD cho Argentina, Brazil, Ecuador và Venezuela, đồng thời đầu tư hơn 160 tỷ USD vào Mỹ Latin trong 20 năm, từ năm 2000 đến 2020.
Giới phân tích nhận định, nhu cầu cấp thiết thay thế tàu ngầm của lực lượng hải quân các nước Nam Mỹ đang tạo ra cuộc chiến khốc liệt giữa các tập đoàn đóng tàu nhằm giành được những hợp đồng béo bở từ thị trường tiềm năng này.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/hai-quan-cac-nuoc-nam-my-muon-lam-moi-ham-doi-tau-ngam-737035
Ý kiến ()