Hải Phòng phát triển kinh tế biển
Thành phố cảng Hải Phòng đang tập trung phát huy lợi thế của mình để phát triển kinh tế biển, góp sức cùng cả nước đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH, HĐH, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Khởi sắc thành phố cảngHải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành các cảng biển lớn, có tiềm năng để phát triển du lịch biển, thủy sản, dầu khí và các lĩnh vực kinh tế biển khác. Thực hiện các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ra Nghị quyết số 27-NQ/T.U về Chương trình hành động cụ thể phát triển kinh tế biển. Trong đó, xác định năm vấn đề cơ bản của thành phố là: Phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển; phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; kinh tế thủy sản; du lịch biển; khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.Thực hiện Nghị quyết 03/NQ-T.Ư ngày 6-5-1993 của...
Khởi sắc thành phố cảng
Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành các cảng biển lớn, có tiềm năng để phát triển du lịch biển, thủy sản, dầu khí và các lĩnh vực kinh tế biển khác. Thực hiện các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ra Nghị quyết số 27-NQ/T.U về Chương trình hành động cụ thể phát triển kinh tế biển. Trong đó, xác định năm vấn đề cơ bản của thành phố là: Phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển; phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; kinh tế thủy sản; du lịch biển; khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Thực hiện Nghị quyết 03/NQ-T.Ư ngày 6-5-1993 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt, trong những năm qua, kinh tế biển Hải Phòng đã đạt được những kết quả ban đầu. Trong 10 năm trở lại đây, kinh tế vùng ven biển đã đóng góp khoảng 30% vào GDP toàn thành phố. GDP vùng biển Hải Phòng chiếm hơn 30% GDP dải ven biển cả nước và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của vùng ven biển cả nước. Cảng Hải Phòng được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong các cảng biển của khu vực Đông – Nam Á, từng bước khẳng định vị thế là một thương cảng lớn có công nghệ xếp dỡ hiện đại hàng đầu khu vực. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế của khu vực phía bắc, khối lượng hàng hóa thông qua cảng 10 năm qua đã tăng gần năm lần (từ 7,65 triệu tấn vào năm 2000 lên 35,2 triệu tấn năm 2010). Thu hải quan, trong đó chủ yếu từ thuế xuất, nhập khẩu qua cảng Hải Phòng tăng gần 10 lần (từ 3.672 tỷ đồng năm 2000 lên 32.619 tỷ đồng năm 2010). Ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu thủy, phương tiện nổi đã có bước phát triển mạnh, đưa xuống nước thành công nhiều tàu có trọng tải lớn, như tàu hàng 56.200 DWT, tàu dầu 13.500 DWT, tàu công-ten-nơ 1.700 TEU và kho nổi chứa dầu 150 nghìn DWT. Đội tàu biển của Hải Phòng hiện có khoảng 500 tàu biển với tổng trọng tải gần 1,4 triệu DWT, chiếm gần 50% về số phương tiện và hơn 40% về khối lượng hàng hóa vận tải của cả nước. Hoạt động du lịch biển với hai khu vực nổi tiếng là Cát Bà và Đồ Sơn ngày càng hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Doanh thu du lịch biển chiếm hơn 42% doanh thu của toàn ngành du lịch. Sản lượng thủy sản năm 2010 ước đạt gần 91.000 tấn, giá trị sản xuất thủy sản năm 2010 ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Khu Kinh tế ven biển Đình Vũ – Cát Hải cùng với cảng nước sâu quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện đang được tập trung xây dựng, trong tương lai là một trong những trung tâm kinh tế, giao thương quốc tế hiện đại. Cùng với đó, là các khu đô thị, kinh tế ven biển khác như Nam Đình Vũ, Đồ Sơn, Thủy Nguyên… đã được khởi động xây dựng, tạo sức bật mới cho thành phố cảng.
Khó khăn và thách thức
Hoạt động kinh tế biển của Hải Phòng bước đầu phát triển, nhưng nhiều thách thức, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Tiềm lực kinh tế, trình độ khoa học – công nghệ nói chung và công nghệ khai thác biển nói riêng còn hạn chế, làm giảm khả năng tận dụng những tiềm năng, nguồn lợi đang có từ biển để phát triển trong xu thế vươn ra biển, làm chủ biển khơi. Tình trạng xây dựng cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp tràn lan, manh mún, thiếu quy hoạch chiến lược tổng thể, làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư. Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn nhiều yếu kém, lạc hậu; thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc theo bờ biển, nối liền các thành phố, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển thành một chuỗi kinh tế biển liên hoàn. Hệ thống cảng biển, sân bay ven biển còn nhỏ bé, manh mún, thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ, nên hiệu quả khai thác thấp. Hệ thống giao thông đường bộ của thành phố chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và đang cản trở sự phát triển của thành phố, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm nản lòng các nhà đầu tư. Do khối lượng hàng hóa thông qua cảng tăng quá nhanh, mỗi ngày hệ thống hạ tầng giao thông phải 'oằn' mình cho khoảng 14-16 nghìn lượt xe ô-tô tải các loại vận chuyển khối lượng hàng hóa khổng lồ thông qua các cảng trên địa bàn. Điều đó khiến giao thông thường xuyên ách tắc, hàng hóa ứ đọng, kéo theo thiệt hại về kinh tế và các hệ lụy khác. Trong khi đó, nguồn nhân lực về kinh tế biển còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và kinh nghiệm quản lý. Dịch vụ du lịch còn theo mùa vụ, không có nhiều sản phẩm độc đáo và cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là các khách sạn lớn, tiêu chuẩn quốc tế, các khu vui chơi giải trí còn thiếu.
Thực trạng quản lý và khai thác tài nguyên biển ở Hải Phòng thời gian qua cho thấy, công tác này còn thiếu hiệu quả, thiếu bền vững. Việc khai thác chủ yếu do người dân tiến hành một cách tự phát, trong đó có tình trạng sử dụng các chất nổ phá hủy hệ sinh thái. Việc nuôi trồng thủy sản của người dân và doanh nghiệp không theo đúng quy hoạch làm giảm và thu hẹp các vùng đất ngập nước ven biển. Hệ thống luật pháp, chính sách quản lý vùng bờ và đảo thiếu đồng bộ, nhiều điểm chồng chéo, hiệu lực thi hành thấp, triển khai thiếu đồng bộ. Các vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các tranh chấp vùng đánh cá của ngư dân giải quyết còn lúng túng… Cuộc sống dân cư ven biển còn nhiều khó khăn, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quản lý vùng bờ còn thụ động; nguy cơ ô nhiễm vùng biển do sự cố tràn dầu, các phương tiện giao thông gây ra;…
Hướng ra biển
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra và phát huy vai trò là một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước, Hải Phòng chủ trương hướng ra biển, làm giàu từ biển với mục tiêu xây dựng vùng biển và ven biển Hải Phòng thành Trung tâm kinh tế biển của Vịnh Bắc Bộ và cả nước, thật sự là một động lực quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển với tốc độ nhanh.
Theo đó, đến năm 2020, Hải Phòng phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân gấp 1,2-1,3 lần mức tăng trưởng của toàn dải ven biển Vịnh Bắc Bộ và 1,4-1,6 lần vùng ven biển của cả nước; đưa tỷ trọng GDP của vùng ven biển Hải Phòng chiếm khoảng 35-40% tổng GDP của thành phố… Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh hoạt động dịch vụ lên 73%, công nghiệp 19% và nông nghiệp 8% vào năm 2020. Hình thành một số ngành sản phẩm mũi nhọn, tạo tích lũy lớn và động lực phát triển các ngành khác trong cả vùng phía bắc và cả nước.
Từ nay đến năm 2020, kinh tế hàng hải của Hải Phòng tập trung phát triển nhanh, toàn diện hệ thống đội tàu, dịch vụ cảng và dịch vụ hàng hải, đồng bộ với hệ thống cảng và công nghiệp đóng, sửa chữa tàu thủy theo hướng hiện đại trên cơ sở huy động sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, tạo tiền đề vươn ra đại dương. Cùng với đó, thành phố nhanh chóng phát triển hệ thống cảng tiến ra biển, xây dựng với quy mô lớn, hiện đại có chức năng trung chuyển quốc tế với cảng Đình Vũ, Chùa Vẽ, mở luồng mới
qua kênh Hà Nam, Lạch Huyện… Các doanh nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy đang nỗ lực vượt qua thách thức, khó khăn, thực hiện tái cấu trúc để từng bước ổn định và phát triển. Thành phố tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và tiếp tục khẳng định Hải Phòng là một trung tâm cơ khí tàu thuyền lớn nhất của cả nước, có vị trí ngày càng lớn, vươn ra khu vực và thế giới. Hướng phát triển cơ bản là nhằm vào đóng những tàu có trọng tải lớn và các loại tàu chuyên dùng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Để khai thác lợi thế vùng ven biển, bên cạnh việc đầu tư chiều sâu và mở rộng quy mô các ngành kinh tế biển truyền thống, thành phố chủ trương xây dựng hành lang đô thị – công nghiệp ven biển, tập trung mở rộng không gian thành phố về phía Đồ Sơn, khu vực tây – bắc thành phố, Minh Đức (Thủy Nguyên) và Kiến An. Xây dựng một số khu đô thị mới ở bắc Sông Cấm. Cùng với đó, thành phố chú trọng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về biển thông qua việc hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý biển; phối hợp trong công tác quản lý biển với các tỉnh, thành phố khác thuộc vùng Vịnh Bắc Bộ. Cùng với Hải Phòng, Trung ương và các bộ, ngành, cần hỗ trợ tích cực thành phố trong việc nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng cảng biển và giao thông để tạo thuận lợi cho phát triển, kết nối, liên kết các vùng kinh tế biển trong chiến lược phát triển chung của quốc gia. Trong đó, tập trung hoàn thành các tuyến đường cao tốc Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện, xây dựng đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, mở rộng, nâng cấp cảng Hải Phòng. Khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xây dựng, khai thác, sử dụng và phát triển kinh tế biển, đảo;… Bên cạnh đó, chú trọng bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển; phòng, chống thiên tai, ứng phó tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()