Hai năm cuộc xung đột Nga - Ukraine
Ngày 24-2 đánh dấu cột mốc tròn hai năm diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tác động nhiều chiều từ xung đột đã dẫn tới những thay đổi chưa từng có trên phạm vi toàn cầu.
Đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các bên sẵn sàng thỏa hiệp. Ngược lại, cả Kiev và Moscow vẫn duy trì thái độ cứng rắn và kiên quyết theo đuổi mục tiêu riêng khiến xung đột rơi vào bế tắc và đứng trước nguy cơ trở thành một cuộc chiến tiêu hao kéo dài, tiếp tục tác động tiêu cực đến môi trường địa chính trị, an ninh và kinh tế toàn cầu.
Binh sĩ Ukraine mang súng phóng lựu tự động Mk19 của Mỹ trong một cuộc tập trận. Ảnh: Reuters |
Sau nhiều tháng phản công quyết liệt, quân đội Ukraine vẫn không đạt được đột phá trên chiến trường, trái lại còn hứng chịu những tổn thất nặng nề. Theo Forbes, dù Ukraine đã nỗ lực giành lại 50% lãnh thổ từ tay Nga, vẫn còn tới 26% lãnh thổ nước này đang nằm dưới quyền kiểm soát của Moscow. Kiev cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo và binh lực, dẫn tới phải giảm bớt một số hoạt động quân sự trong bối cảnh thiếu hụt sự hỗ trợ từ phương Tây.
Khó khăn bủa vây, song Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn kiên quyết từ chối đàm phán với Nga và tuyên bố quyết tâm giành lại toàn bộ lãnh thổ. Trong khi đó, Nga kiên trì khẳng định mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là nhằm “phi phát xít hóa”, “phi quân sự hóa” và bảo đảm tình trạng trung lập của Ukraine.
Nhằm bóp nghẹt tiềm lực kinh tế, quân sự-quốc phòng của Moscow, hai năm qua, phương Tây đã áp hàng loạt gói trừng phạt liên tiếp và khốc liệt đối với Nga. Bất ngờ thay, kinh tế Nga không những không sụp đổ mà còn chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ những liên minh chiến lược mới được hình thành.
Nếu trước xung đột, Nga là nhà cung cấp nhiên liệu giá rẻ hàng đầu cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), thì sau lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu từ Nga, Moscow đã chuyển hướng thành công tới thị trường thay thế rộng lớn hơn tại châu Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin. “Nước cờ” trừng phạt và cấm vận của phương Tây dường như không còn phát huy tác dụng như mong đợi, khi có tới 65% quốc gia trên thế giới không tham gia công cuộc cấm vận chống lại Nga.
Trong khi kinh tế Ukraine kiệt quệ vì chiến sự, năm 2023, kinh tế Nga đạt tốc độ tăng trưởng 3,6%, “vượt mặt” nhiều quốc gia phương Tây giàu có. Moscow đã tăng 25% ngân sách quốc phòng, chiếm 30% ngân sách quốc gia, chuyển nền kinh tế sang hoạt động thời chiến. Năm 2023, nhiều thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố cạn kiệt kho vũ khí do viện trợ cho Ukraine. Ở chiều ngược lại, Nga tăng gấp 7 lần năng lực sản xuất xe tăng, 20 lần năng lực sản xuất rocket so với năm 2022. Dân số 144 triệu người, cao gần gấp 4 lần quy mô dân số Ukraine, cũng đem lại lợi thế nhân lực cho Nga cả trong phát triển kinh tế và quốc phòng.
Hai năm qua Ukraine hứng chịu những tổn thất nặng nề về nhiều mặt, song khả năng cầm cự chiến đấu của Kiev trước đối thủ lớn mạnh hơn về mọi mặt được đánh giá là “phi thường”. Ukraine cũng dồn nỗ lực vào ngoại giao con thoi để tranh thủ mọi sự ủng hộ của phương Tây. Theo Viện Kinh tế thế giới Kiel, từ khi xung đột nổ ra, phương Tây đã chi hơn 100 tỷ USD tài trợ cho nỗ lực quốc phòng của Ukraine. Mới đây, EU vừa nhất trí gói hỗ trợ trị giá 54 tỷ USD cho Ukraine đến năm 2027. Mỹ là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine với khoản đã chi lên tới 66 tỷ USD và 60 tỷ USD nữa đang chờ Quốc hội Mỹ thông qua.
Tuy nhiên, mệt mỏi bởi xung đột kéo dài chưa có hồi kết và những khoản viện trợ khổng lồ “như muối bỏ biển” không thể giúp Ukraine lật ngược tình thế, EU ngày càng rạn nứt và bộc lộ chia rẽ về cách thức phản ứng với xung đột. Một số thành viên EU gần đây tuyên bố sẽ không tiếp tục cung cấp, hoặc không còn vũ khí để cung cấp cho Kiev. Năm 2024 tiếp tục chứng kiến khó khăn, khi có tới 14,6 triệu người Ukraine cần hỗ trợ nhân đạo, hơn 8 triệu người Ukraine phải rời bỏ đất nước kể từ xung đột, gây ra một cuộc khủng hoảng di cư mới, dồn gánh nặng lên những nền kinh tế phương Tây đang trên đà suy thoái.
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) đánh giá, kinh nghiệm từ cuộc xung đột ở Ukraine cũng bắt đầu ảnh hưởng đến tư duy của quân đội các nước trên thế giới. Theo đó, trong chiến tranh hiện đại, các quốc gia phải chú trọng hơn đến pháo binh, phương tiện bay không người lái (UAV) cảm tử, hệ thống chống UAV, cũng như những cơ hội và nguy cơ mà các phương tiện không người lái dưới nước (UUV) có thể tạo ra. Những chiếc UAV nhỏ gọn, dễ sản xuất hàng loạt, giá thành rẻ đã phát huy hiệu quả tấn công bất ngờ. Khả năng hoạt động bầy đàn và tác chiến từ xa của chúng thách thức các hệ thống phòng không và biến chúng thành một loại phương tiện chiến đấu trụ cột.
Giới phân tích nhận định, xung đột Nga-Ukraine đến nay không còn giới hạn giữa hai quốc gia mà đã trở thành cuộc đối đầu Nga-NATO, đặt ra những thách thức và nguy cơ nghiêm trọng về an ninh toàn cầu. Phương Tây đã phát động một cuộc chiến tổng lực tấn công Nga trên tất cả lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, tình báo, thông tin… và rồi nhận lại sự đáp trả không kém phần quyết liệt của Moscow.
Xung đột khốc liệt kéo dài đẩy kinh tế thế giới rơi vào vòng bủa vây của thách thức. Thị trường năng lượng, tài chính, tiền tệ chao đảo, lạm phát tăng vọt, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Ngân hàng Thế giới dự báo, kinh tế toàn cầu có thể sẽ bước vào thời kỳ suy thoái lớn nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1929-1933, còn cuộc chiến tiêu hao kéo dài này có khả năng tiếp diễn ít nhất cho đến năm 2025.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/hai-nam-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-766153
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()