Hãi hùng đá "sạch"
Do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng đá sạch ở Hà Nội trong thời gian qua tăng đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất đá sạch chấp hành nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện có không ít cơ sở vẫn cố tình vi phạm. Gắn mác "đá sạch", song các cơ sở này vẫn ngang nhiên sản xuất hàng kém chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ nhằm thu lời bất chính, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người tiêu dùng.
Vi phạm tràn lan
Cơ sở sản xuất nước đá uống liền Hùng Oanh, nằm trên đường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), ngay cạnh con mương nước đen kịt, ô nhiễm nặng nề. Bên trong khu vực sản xuất, nền nhà luôn ẩm ướt, túi ni-lông dùng để đựng sản phẩm vứt bừa bãi, ngay bên cạnh những vũng nước thải.
Ngoài ô nhiễm nghiêm trọng về môi trường sản xuất, những người công nhân lao động ở đây không tuân thủ bất kỳ tiêu chí nào mà ngành y tế quy định như sử dụng găng tay, đồ bảo hộ lao động, khẩu trang cá nhân,… trong quá trình sản xuất, đóng gói sản phẩm. Chẳng những thế, họ còn cởi trần, mặc quần đùi, sử dụng các loại giày dép thông thường (theo quy định phải sử dụng giày dép, ủng chuyên biệt) đi lại trong quá trình sản xuất. Cả ba phễu đựng đá trước khi đóng gói đều không được che đậy, bụi bặm bám đầy, ruồi nhặng bay hàng đàn. Khi đá được đóng gói, nhiều viên rớt xuống nền nhà, được nhân viên “vô tư” nhặt lại cho vào túi trước khi đem bán ra thị trường.
Cách đó không xa, cơ sở sản xuất nước đá uống liền Hoa Lan cũng trong tình trạng tương tự. Từ ngoài đường đi vào khu vực sản xuất hầu như không có khoảng cách, phạm vi bảo vệ. Khách đến mua sản phẩm ra vào hoàn toàn “tự nhiên” không cần phải thay giày dép theo quy định bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong mỗi công đoạn của quá trình sản xuất, công nhân kiểm tra độ lạnh của đá bằng… tay trần, việc đóng gói hoàn toàn thủ công. Thậm chí, những công nhân mồ hôi nhễ nhại vẫn nhoài người vào hẳn trong khay, thùng để cào đá ở phía trong ra. Không chỉ vậy, khi đá được đóng đầy túi, thay vì thực hiện thao tác hàn túi bảo quản sản phẩm, các công nhân ở đây “tiết kiệm” bằng cách buộc túm hai đầu rồi vứt các túi đá chỏng chơ dưới nền nhà ẩm ướt, bẩn thỉu,… Chủ cơ sở sản xuất nước đá uống liền Ngọc Hường quảng cáo, sản phẩm của cơ sở được sản xuất bằng nước sạch sông Đà chứ không giống như các nơi khác chuyên sản xuất bằng nước giếng khoan, dễ bị ô nhiễm nguồn nước, không bảo đảm chất lượng sản phẩm. Do có uy tín trên thị trường cho nên chỉ trong vài giờ đầu buổi sáng, cơ sở đã xuất bán 3.000 túi đá (mỗi túi 5 kg) và được tiêu thụ trên khắp địa bàn thành phố. Ông này còn tự hào khoe: “Vào những ngày nắng nóng, mặc dù cơ sở sản xuất gần 30 tấn đá/ngày, mức giá bán lẻ tăng lên 6.000 đồng/túi nhưng vẫn không đủ hàng để bán. Sắp tới gia đình sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng”. Chẳng riêng gì một vài cơ sở nêu trên, theo khảo sát phần lớn cơ sở sản xuất đá sạch đều vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đáng chú ý, không ít cơ sở sản xuất vẫn tồn tại tình trạng người lao động cởi trần, mặc quần đùi, móng tay cáu bẩn,… tham gia quá trình sản xuất và đóng gói sản phẩm. Nếu một trong những người này mắc các bệnh truyền nhiễm, mang sẵn vi khuẩn thì toàn bộ sản phẩm sản xuất ra sẽ tiềm ẩn những mầm bệnh thật khó lường.
Khó phân biệt sản phẩm sạch
Theo quy trình sản xuất đá tinh khiết đạt tiêu chuẩn, nguồn nước phải được lấy từ độ sâu 90 m, xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím. Các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều bằng i-nốc, không bị rỉ sét theo thời gian. Chu trình sản xuất nước đá khép kín, tiến hành hoàn toàn tự động, không có sự tiếp xúc trực tiếp với bàn tay con người, nước đá viên tinh khiết mới bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát, phần lớn các cơ sở sản xuất đá sạch hiện nay đều sử dụng nguồn nước giếng khoan không bảo đảm độ sâu, với mặt bằng sản xuất và nguồn nước bị ô nhiễm như vậy, đương nhiên chất lượng sản phẩm không thể đạt tiêu chuẩn. Liên quan vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định: Đá sạch, đá siêu sạch chỉ là những mỹ từ mà các cơ sở sản xuất đưa ra nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Bởi trên thực tế, chúng ta đã có các quy định, quy trình sản xuất cụ thể nhưng vấn đề tồn tại ở chỗ là do cách làm không sạch. Nếu dùng nước giếng khoan thông thường để sản xuất đá sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ như không loại trừ được các độc tố trong nước, không tiêu diệt được các vi sinh vật, vi khuẩn, côn trùng,… gây hại đối với người sử dụng. Theo quy định, nước máy là nước dùng trong sinh hoạt hằng ngày, còn nước dùng để uống vào cơ thể phải bảo đảm về chất lượng, đã được lọc, loại bỏ các tạp chất và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Trên thực tế, rất nhiều cơ sở sản xuất đá sạch quảng cáo dùng nước máy để làm đá nhưng nguồn nước này cũng không thể bảo đảm chất lượng. Do đó, muốn khẳng định chất lượng sản phẩm, các cơ sở phải chứng minh được nguồn nước đó đã được xử lý, loại bỏ các độc tố, tạp chất, vi khuẩn,… bằng giấy chứng nhận, còn nếu không chỉ là hình thức lừa bịp, đánh lừa cảm quan của người tiêu dùng. Bằng cảm quan, mắt thường, những viên đá “tinh khiết” trong vắt, không tỳ vết như viên pha lê, nhưng ai có thể biết trong mỗi viên đá, có thể tiềm ẩn hàng triệu vi khuẩn? Chính vì vậy, người tiêu dùng phải phân biệt được đâu là đá sạch dùng để bảo quản thực phẩm và đá sạch dùng uống trực tiếp để phòng tránh những mầm mống bệnh tật từ nguồn nước bị ô nhiễm, các cơ sở sản xuất không bảo đảm về tiêu chuẩn, chất lượng gây ra.
Đề cập công tác thanh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 78 cơ sở sản xuất đá sạch. Đến nay, ngành y tế đã thanh tra, kiểm tra 43 cơ sở, trong đó có ba cơ sở đã dừng hoạt động. Lực lượng thanh tra đã xử lý 22 cơ sở vi phạm các quy định, phạt tiền hơn 99 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu là những lỗi thường quy như không mặc đồ bảo hộ lao động, đeo găng tay, không bảo đảm an toàn vệ sinh ngoại cảnh,… Đồng thời, ông Cường nhấn mạnh, mất vệ sinh về chất lượng đá phần nhiều là do quá trình vận chuyển, bụi bặm ngoài đường bám vào và do các đại lý bán đá lẻ không đủ điều kiện bảo quản, bảo đảm chỉ số chất lượng ban đầu của đá. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất đá, đòi hỏi các cơ sở phải sử dụng nước máy với những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, mới cho dạng đá viên tinh khiết và bảo đảm chất lượng.
Nước đá không sạch đang là một nguồn lây bệnh nguy hiểm. Nó chứa các loại vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh đường ruột như thương hàn, tả, lị… nó có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm và gây bệnh cấp tính, mạn tính, thậm chí còn ra các bệnh về thần kinh và ung thư. Do vậy, người dân cần cảnh giác với các loại đá không bảo đảm chất lượng, bởi trong môi trường lạnh, vi khuẩn chỉ bị kìm chế phát triển còn khi đá tan vi khuẩn tiếp tục sống và khả năng gây bệnh sẽ rất cao. PGS, TS TRẦN ĐĂNG Nguyên Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế |
Các cơ sở sản xuất đá sạch nếu vi phạm, ngoài việc bị cảnh cáo hoặc phạt tiền, có thể bị áp dụng một trong số các biện pháp xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm; buộc tiêu hủy sản phẩm có yếu tố gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng… LUẬT SƯ ĐỖ BÁ DƯƠNG (Đoàn Luật sư Hà Nội) |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()