Hai giải pháp nâng cao chất lượng
Giáo viên cấp tiểu học ở Tràng Định thảo luận về mô hình VNEN |
Giải pháp về con người
Sau hơn 15 năm duy trì phổ cập GDTH, một số xã, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc phía tây của huyện như: Tân Yên, Kim Đồng, Bác Ái, Tân Tiến… có tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học thấp, có thể “mất chuẩn” theo từng năm học. Huyện ủy, UBND huyện Tràng Định đã xác định nhiệm vụ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp là trách nhiệm của mỗi địa phương và người dân. Đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, chống lưu ban, bỏ học là trách nhiệm của các nhà trường.
Kiện toàn, nâng cao trình độ giáo viên được coi là cái “gốc” của chất lượng. Có được chất lượng đại trà sẽ nâng cao và giữ vững phổ cập. Theo tinh thần đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tràng Định đã quan tâm đến đội ngũ cán bộ giáo viên cấp tiểu học. Qua nhiều năm củng cố và kiện toàn, đến năm học 2015-2016, Tràng Định có 388 giáo viên tiểu học, trong đó 100% đạt chuẩn đào tạo (83,8% trên chuẩn). Bà Đinh Thị Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT Tràng Định cho biết: Đến nay, 100% đơn vị trường đã có giáo viên bộ môn đặc thù. Tỷ lệ giáo viên/ lớp đã đạt 1,6; 8 trường thực hiện VNEN và 6 trường nhân rộng toàn phần, Tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục được triển khai đại trà và đạt hiệu quả.
Giải pháp về cơ sở vật chất và hỗ trợ người học
Do cơ sở vật chất (CSVC), phòng học, phòng chức năng và nhà công vụ giáo viên, sân chơi bãi tập… thiếu và xuống cấp, nhiều xã chưa đảm bảo về chỉ số CSVC nên đạt chuẩn ở mức độ thấp. Điển hình như các xã: Quốc Việt, Trung Thành, Hùng Việt, Đội Cấn, Vĩnh Tiến… Nhiều gia đình sinh sống tại vùng khó khăn, vùng cao, biên giới do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên không muốn cho con em tới trường. Vì vậy, giải pháp về CSVC và hỗ trợ người học đã được thực hiện theo các kênh đầu tư của nhà nước và xã hội hóa. Để chống tình trạng học sinh bỏ học, cùng với việc thực hiện tốt chế độ chính sách của nhà nước cho người học, năm 2015 quỹ “Hũ gạo tình thương” đã quyên góp được gần 15 triệu đồng, quỹ “Hũ gạo phổ cập” được 37,7 triệu đồng để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các đồn biên phòng: Bình Nghi, Pò Mã đã ủng hộ trên 20 triệu đồng, 560 bộ sách vở, nhiều đồ dùng học tập, sinh hoạt giúp học sinh nghèo.
Việc xây dựng mạng lưới trường lớp phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ đi học thuận lợi đã được UBND huyện chỉ đạo rà soát. Căn cứ vào tình hình thực tế, để đảm bảo cho trẻ đi học không quá xa, toàn huyện duy trì 26 trường chính và 25 điểm trường lẻ, thu hút 100% trẻ 6 tuổi vào lớp, đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ ngày. Hệ thống sân chơi bãi tập, các phòng chức năng được quy hoạch và bổ sung. Năm học 2015-2016 đã tiến hành xây mới 9 phòng kiên cố cho cấp học này; đến nay đã có 277 phòng/242 lớp (tỷ lệ 1,1 phòng/ lớp). Trong đó có 195 phòng kiên cố (tỷ lệ 70,4%) và 70 phòng cấp 4 ( tỷ lệ 25,3%), chỉ còn 12 phòng học tạm. Mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú được phát huy đã giúp học sinh yên tâm học tập. Kênh xã hội hóa đã huy động gần 294 triệu đồng và trên 5.800 ngày công cho việc tu sửa và tăng cường CSVC.
Với những nỗ lực đó, năm học 2015-2016, tỷ lệ huy động trẻ vào lớp 1 đạt 100%, hiệu quả đào tạo của cấp học đạt 95,3%, tăng 0,2% so với năm học trước. Tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành tiểu học ở nhiều xã tăng, toàn huyện duy trì phổ cập giáo dục tiểu học. Chất lượng chuẩn được nâng lên, trong đó có 8 đơn vị xã duy trì mức độ 2 và 15 đơn vị xã duy trì mức độ 1. Ông Lương Quốc Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định khẳng định: Kết quả đó là sự chỉ đạo hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền huyện; sự giác ngộ của người dân và sự nỗ lực của ngành GD&ĐT.
Ý kiến ()