Sau mấy năm trở lại Hải Đường, chúng tôi thật sự ngạc nhiên về sự thay da đổi thịt của vùng quê thuần nông này: khu chợ Mới vừa được xây dựng khá sầm uất; trạm y tế, trường tiểu học đã hoàn thành, khang trang rộng rãi; đường trục tây sông Đối, đường sông tiêu liên xã được đổ bê-tông sạch sẽ, trời mưa bà con đi lại không còn sợ cảnh lầy lội như trước. Chủ tịch UBND xã Hải Đường Nguyễn Văn Tuần cho biết, trong các công trình xây dựng, người dân được dân chủ bàn bạc, thảo luận các quy định về huy động đóng góp vật chất và ngày công, chính quyền xã hỗ trợ thủ tục triển khai và một phần kinh phí. Với mục tiêu ưu tiên hàng đầu cho những công trình phục vụ sản xuất, y tế – giáo dục, đến nay Hải Đường đã hoàn thành 6/8 tiêu chí trong nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế – xã hội như thủy lợi, điện, trường học, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư nông thôn. Để hoàn thành những tiêu chí này, Hải Đường đã thực hiện chính sách: công trình phục vụ toàn dân thì dân đóng góp, công trình phục vụ khu dân cư nào thì khu dân cư đó đóng góp xây dựng. Đặc biệt, Hải Đường còn tận dụng lồng ghép một số dự án như dự án tiêu nước Hải Hậu (RDS) để xây dựng sáu cống phục vụ sản xuất, giao thông và dự án nâng cấp hệ thống điện lưới do ngành điện thực hiện.
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuần, trong các tiêu chí thì khó thực hiện nhất là chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa và tăng thu nhập cho người dân vì Hải Đường là xã thuần nông, người dân không có nghề phụ. Khắc phục khó khăn này, UBND xã đã chủ động tìm biện pháp duy trì các hình thức sản xuất đã có (hộ, gia trại, trang trại, HTX) bằng cách phối hợp Viện Cây lương thực và thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) khảo sát xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa đặc sản theo hướng hàng hóa, vùng chăn nuôi trang trại. Phát động nhân dân cải tạo mô hình VAC, phát triển nghề trồng cây cảnh, cây ăn quả… Thành tựu nổi bật của Hải Đường là du nhập, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thay đổi cơ cấu sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Từ nhiều nguồn hỗ trợ, Hải Đường đã mở 14 lớp dạy nghề cho 640 người, phát triển được năm loại ngành nghề. Các lớp dạy nghề tập trung vào nghề may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, thêu ren xuất khẩu, vê đay, đan bẹ chuối xuất khẩu, chăn nuôi, trồng trọt… Từ các lớp dạy nghề làm nòng cốt, với sự vào cuộc của các doanh nghiệp 'bà đỡ',
Hải Đường đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập từ 700 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/người/tháng. Nổi bật là nghề may công nghiệp với sự tham gia của Công ty CP Đầu tư Hải Đường đã tạo việc làm cho khoảng 300 lao động với thu nhập bình quân 1,8-1,9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn có các nghề: mộc mỹ nghệ, vê đay, vật liệu xây dựng và thương mại dịch vụ; thêu ren.
Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hải Đường Văn Thanh Sơn cho biết, được sự ủng hộ của lãnh đạo xã cho nên công ty chỉ mất một tuần làm thủ tục xin đất và giải phóng mặt bằng, ba tháng vừa xây dựng xưởng, vừa đào tạo nghề. Sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ và các nước Đông Âu, rất ổn định. Hiện nay công ty đã hoạt động được ba tháng, mức lương bình quân 1,9 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù mới đi vào sản xuất nhưng dịp Tết, công nhân vẫn có lương, thưởng đầy đủ. Từ quý 2 công ty sẽ thành lập tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động. Mục tiêu phấn đấu năm 2011 đạt doanh thu 36 tỷ đồng, lợi nhuận 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân 2-2,2 triệu đồng/người/tháng. Khi được hỏi 'nhân duyên' nào đã đưa doanh nghiệp về xã Hải Đường, giám đốc Sơn cười và nói: 'Chúng tôi chỉ đóng vai trò 'bà đỡ' thôi! còn việc chắp mối, tư vấn đưa nghề mới về xã, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất là công của Trung tâm khuyến công 1 (IPC1) thuộc Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương)'. Việc đưa nghề may công nghiệp về Hải Đường là thắng lợi lớn mở đầu cho chương trình chuyển đổi cơ cấu lao động theo chủ trương 'ly nông không ly hương'.
IPC1 không chỉ chắp mối đưa doanh nghiệp về địa phương mà còn rất nhiệt tình trong việc thuyết phục lãnh đạo xã nhường Hội trường UBND xã làm cơ sở dạy nghề, cử cán bộ tham gia công tác quản lý học viên, tìm giáo viên dạy nghề. Đồng thời hỗ trợ kinh phí đào tạo (trong tổng kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng/khóa 300 người thì nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 270 triệu đồng). Có thể nói, IPC1 đã rất thành công trong vai trò xâu chuỗi mối liên kết bốn nhà: địa phương – nhà khuyến công – nhà doanh nghiệp – người lao động. Cùng với IPC1, trung tâm khuyến nông, trung tâm dạy nghề của huyện cũng góp phần rất quan trọng vào việc đưa nghề mới về địa phương, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thay đổi nhận thức của người dân. Năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 11,5% với thu nhập bình quân là 5 triệu đồng/người/năm. Năm 2009, con số này giảm xuống còn 6%, thu nhập tăng lên 7,5 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2010, thu nhập bình quân đã tăng lên 11 triệu đồng và đang phấn đấu sẽ tăng hơn nữa trong năm nay.
Phát triển công nghiệp tất yếu nảy sinh vấn đề môi trường. Vì vậy, Hải Đường đang từng bước xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý rác thải trong các cơ sở sản xuất và khu dân cư, vận động nhân dân tích cực, tự giác bảo vệ môi trường, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gắn với hệ thống bi-ô-ga. Đồng thời, tích cực dồn điền đổi thửa để quy hoạch vùng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung trên cơ sở bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường trước khi đưa vào hoạt động sản xuất. Quan điểm của xã là, khó mấy cũng phải làm vì chỉ đưa công nghiệp vào mới có thể chuyển đổi được cơ cấu kinh tế địa phương, làm thay đổi cơ bản cuộc sống của người dân nông thôn.
Ý kiến ()