Hải Dương: Tiếp tục nhân rộng mô hình trồng Bí xanh số 2 cho hiệu quả kinh tế cao
Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung chuyên môn hóa, nghiên cứu và phát triển các loại rau màu có hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2011, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt cho Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình sản xuất giống Bí xanh số 2 trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Sau hai năm thực hiện, mô hình trên đã mang lại hiệu quả đáng kể, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung chuyên môn hóa, nghiên cứu và phát triển các loại rau màu có hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2011, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt cho Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình sản xuất giống Bí xanh số 2 trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Sau hai năm thực hiện, mô hình trên đã mang lại hiệu quả đáng kể, cải thiện đời sống cho người nông dân.
|
Ảnh minh họa (nguồn: vinhphuc.gov.vn) |
Giống Bí xanh số 2 được phát triển từ giống Bí xanh số 1 (đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống quốc gia năm 2007) và có nhiều ưu điểm vượt trội hơn, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Giống có thời gian sinh trưởng trung bình 100-120 ngày ở vụ Đông-Xuân, 95-110 ngày ở vụ Thu-Đông; phát triển khoẻ, chịu rét khá; năng suất cao: 45-55 tấn/ha (vụ Đông-Xuân ), 40-50 tấn/ha (vụ Thu-Đông). Quả có hình dáng đẹp, vỏ xanh đen, hình thon, dài khoảng 60-70cm; chất lượng quả tốt, ít hạt, cùi dày, chắc, màu phớt xanh rất hấp dẫn người tiêu dùng. Đặc biệt quả rất lâu lên phấn (lâu già), có thể bán ở giai đoạn non đến tận khi trưởng thành (từ 25-50, 60 ngày tuổi) mà vẫn không bị chua, ảnh hưởng đến chất lượng.
Quy trình sản xuất Bí xanh số 2 khá đơn giản, giống có khả năng chịu lạnh tốt, thời gian sinh trưởng đồng đều, lại ít sâu bệnh nên không phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Bí xanh là loại thực phẩm sử dụng được cả quả, hạt và ngọn, có đầu ra hấp dẫn thị trường, mang lại thu nhập cao cho người trồng bí. Ông Nguyễn Văn Chải (xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang) cho biết: Bí xanh số 2 có chất lượng vượt trội, tốn ít các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, quả lại dài và đẹp hơn. Sau mỗi vụ, trừ tất cả các loại chi phí, gia đình ông thu lãi từ 45-55 triệu đồng/ha, gấp hơn 4 lần so với cấy lúa xuân và 1,5 lần so với Bí xanh số 1.
Do hiệu quả kinh tế cao nên mô hình trồng Bí xanh số 2 đã liên tục được nhân rộng từ những vùng có truyền thống trồng bí như Bình Giang, Ninh Giang sang các huyện khác: Gia Lộc, Nam Sách, Kim Thành…Sở NN&PTNT tỉnh cũng hỗ trợ giống, phân bón và vật tư đồng thời mở 10 lớp tập huấn cho hơn 1.000 lượt người tham gia nhằm chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc ruộng giống, thu hái quả, làm hạt và bảo quản hạt giống. Tới nay, tổng diện tích triển khai mô hình đạt 117,3 ha (năng suất trung bình 35-50 tấn/ha) với sự tham gia của hơn 1.300 hộ, tạo được 50.000 ngày công, thu lợi nhuận trên 10 tỉ đồng, qua đó góp phần tạo việc làm cho người nông dân, thay đổi tập quán canh tác kiểu truyền thống sang áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng hiệu quả của mô hình tới các tỉnh lân cận trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hà Nam , Nam Định…
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()