Hải Dương: Nuôi cá lồng cho thu nhập tiền tỷ
Nghề nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương giúp các hộ gia đình tại địa phương có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Đây là hướng làm kinh tế mới, giúp giải quyết lao động, xóa đói giảm nghèo cho vùng quê chủ yếu làm nông nghiệp.
Cá điêu hồng trong lồng nuôi. (Nguồn: tintuc.vn) |
Nghề nuôi cá lồng thực hiện từ năm 2009, với vài hộ gia đình nuôi, mỗi hộ có 3 – 4 lồng. Những năm đầu, giá bán cao nên người nuôi lãi lớn. Các hộ gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng để tăng số lượng lồng nuôi. Theo thống kê của UBND xã Nam Tân, huyện Nam Sách, địa phương có 74 hộ nuôi với số lượng 1.164 lồng. Loại cá được nuôi chủ yếu là cá lăng đen, chép giòn, trắm giòn, diêu hồng, trê lai… Trung bình mỗi lồng thu hoạch 4 – 5 tấn cá.
Anh Đỗ Văn Hóa, người nuôi 20 lồng cá cho biết, nuôi cá ở sông có thể thực hiện với số lượng lớn vì nước sông luôn sạch, cá sống khỏe hơn nuôi trong ao. Trung bình mỗi lồng có diện tích 36 – 54 m2 là người nuôi có thể cho thu hoạch tới 5 tấn cá. Với mỗi lồng nuôi, từ đầu tư xây dựng, tiền giống, tiền thức ăn, thuê nhân công là 210 – 230 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, mỗi lồng lãi từ 100 triệu đồng. Những năm được giá, một lồng cá có thể lãi đến 150 triệu đồng.
Vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn nhưng ông Vũ Xuân Hựu vẫn mạnh dạn thực hiện 40 lồng nuôi. Năm vừa rồi, cá được giá, gia đình ông thu lãi trên 4 tỷ đồng. Trung bình mỗi nhà có 20 – 40 lồng nuôi, nhà nhiều nhất đầu tư đến 76 lồng. Nuôi cá lồng không vất vả như trồng lúa nhưng phải có người trông và cho cá ăn đúng giờ, áp dụng chặt chẽ biện pháp khoa học kỹ thuật.
Ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho rằng, nghề nuôi cá là nghề kinh tế mũi nhọn của xã, so với trồng lúa thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Hàng năm, UBND xã thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy sản của huyện, tỉnh tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh. Thông qua các buổi tập huấn giúp các hộ nâng cao kiến thức để nuôi cá đạt hiệu quả hơn.
Nghề này tuy thu nhập lớn nhưng mức độ rủi ro cao. Từ đầu năm 2015, nhiều hộ nuôi lo lắng vì cá bị nhiễm bệnh xuất huyết ngoài da với biểu hiện là nốt chấm đỏ rồi loét dần gây chết cá, bệnh nấm mang ở cá… chưa có thuốc đặc trị. Anh Hoàng Xuân Hùng chủ 10 lồng cá đang lo lắng vì bệnh lạ ở cá bởi phần lớn vốn đầu tư đều vay ở ngân hàng, trường hợp cá bị bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập và trả lãi ngân hàng.
Những người nuôi cá nhiều năm ở đây cho biết, để hạn chế bệnh cho cá, phải chọn cá giống khỏe mạnh. Trường hợp phát hiện cá bệnh lập tức phải cách ly để tránh lây sang những con khác. Thường xuyên giữ vệ sinh xung quanh khu vực nuôi, xử lý nguồn nước bằng phương pháp khoa học để đảm bảo môi trường sống trong sạch cho cá. Nếu các hộ cùng thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch bệnh, việc nuôi cá lồng cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm là trong tầm tay.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()