Hải Dương đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020
Với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, dễ dàng kết nối với các tour du lịch liên vùng, liên khu vực và cả nước, Hải Dương hướng tới đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, Hải Dương đặt ra mục tiêu khách du lịch lưu trú trên địa bàn tăng 8%/năm, doanh thu tăng 10%/năm; ngành du lịch sẽ đóng góp từ 2 đến 2,5% trong GDP của tỉnh. Cụ thể, năm 2020, Hải Dương phấn đấu đạt tổng lượng khách lưu trú là trên 1,6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt trên 350.000 lượt; tổng lượng khách không lưu trú đạt 3 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 1,4 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch đạt trên 2.100 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 1.000 tỷ đồng. Hải Dương cũng phấn đấu nâng tổng số phòng khách sạn lên 6.780 phòng vào năm 2020. Tổng vốn đầu tư cho các khu, điểm du lịch và các chương trình dự án phát triển du lịch trong giai đoạn 2016-2020 ước đạt trên 3.200 tỷ đồng.
Để đạt được những mục tiêu trên, từ nay đến năm 2020, Hải Dương tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Tỉnh tập trung xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về quản lý khu du lịch Côn Sơn-Kiếp Bạc; xây dựng chế độ tài chính đặc thù cho một số hoạt động du lịch; tăng cường quản lý chất lượng các dịch vụ du lịch, chất lượng các cơ sở lưu trú, chương trình du lịch của các doanh nghiệp lữ hành. Hải Dương cũng tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa như: Khu du lịch Côn Sơn-Kiếp Bạc, khu du lịch sinh thái bảo tồn lúa nước ở sông Hương, khu du lịch An Phụ-Kính Chủ, di tích khải cổ Nhẫm Dương, khu du lịch sinh thái đảo Cò, , di tích Văn miếu Mao Điền, quy hoạch các làng nghề truyền thống ở Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng…từ đó xây dựng mô hình du lịch cộng đồng làng nghề.
Tại mỗi điểm du lịch, Hải Dương tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc thù để tạo ra nét du lịch độc đáo, riêng có của địa phương đó như: du lịch làng nghề với làng gốm Chu Đậu, gỗ Đông Giao, thêu Hưng Đạo; du lịch văn hóa, sinh thái ở Côn Sơn-Kiếp Bạc, du lịch sinh thái ở đảo Cò, du lịch sinh thái, khám phá hang động ở huyện Kinh Môn với quần thể hang động An Phụ-Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương, hàng chùa Mộ, khu hang động Hàm Long-Tâm Long-Đốc Tít và xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh liên tỉnh với chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai (Hải Dương)- chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)- Yên Tử (Quảng Ninh). Tỉnh cũng xác định rõ thị trường khách du lịch nội địa là thị trường chính nên sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh du lịch ra cả nước và từng bước hướng tới các thị trường du lịch nước ngoài có khả năng chi trả cao như châu Âu, Đông Bắc Á, ASEAN… Để thu hút du khách trong và ngoài nước, từ nay đến năm 2020, Hải Dương sẽ tập trung tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch với các hoạt động như tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, tổ chức sự kiện du lịch, thu hút đầu tư vào các điểm du lịch, xây dựng các bài thuyết minh thống nhất giới thiệu về các khu, điểm du lịch..Tỉnh còn tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch; tăng cường quản lý giá đối với các khu kinh doanh, buôn bán, dịch vụ… không để xảy ra tình trạng chặt chém, lừa đảo, trộm cắp…
Giai đoạn 2011-2015, du lịch Hải Dương đã có bước tăng trưởng khá. Khách du lịch lưu trú tăng từ trên 571.000 lượt năm 2010 lên trên 1,1 triệu lượt vào năm 2015, tăng trưởng trung bình 14,5%/năm. Doanh thu về du lịch tăng từ trên 727 tỷ đồng vào năm 2010 lên trên 1.350 tỷ đồng vào năm 2015. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Hải Dương đã đón trên 2,6 triệu lượt khách, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khách quốc tế đạt gần 200.000 lượt./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()