Hai điểm nhấn thị trường đường năm 2016
Thực tế đã, đang và sẽ cho thấy, muốn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm đường Việt Nam chỉ có bằng cách đổi mới tư duy, mô hình tổ chức, đầu tư một cách bài bản trên cơ sở những lợi thế và liên kết bốn nhà để tạo thành vùng nguyên liệu diện tích lớn, sử dụng giống chất lượng cao, công nghệ chế biến tiên tiến để đa dạng sản phẩm, áp dụng kỹ thuật hiện đại.
Xu hướng tăng giá và thiếu hụt nguồn cung đường trên thế giới
Thị trường đường thế giới gần đây đang ghi nhận chuyển động tích cực theo hướng đường trở thành là mặt hàng có mức giá cả phục hồi cao nhất năm 2016 do nguồn cung với sản lượng 8,6 triệu tấn/ngày, giảm sút trầm trọng sau năm năm thặng dư. Theo nhiều dự báo quốc tế, tình trạng thâm hụt nguồn cung này sẽ kéo dài cho tới đầu năm 2017. Tổ chức đường thế giới (ISO) vừa cho rằng trong năm 2016/2017, thế giới có thể thiếu khoảng 3,8 triệu tấn đường cùng sự sụt giảm sản lượng tại quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới là Ấn Độ.
Tình hình hạn hán kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng của cây mía. Thái-lan sẽ phải đối mặt với sản lượng mía giảm dưới 100 triệu m3/tấn trong vụ mùa 2015-2016 kết thúc vào tháng 9-2016, mức thấp nhất kể từ thời điểm năm 2011 – 2012. Trong quý I-2016, khối lượng đường chỉ đạt khoảng 10%. Sản lượng đường của Brazil sẽ giảm 950.000 tấn, xuống 35 triệu tấn, với khoảng 59% cây mía để sản xuất ethanol. Sản lượng đường Ấn Độ dự báo giảm 1,7 triệu tấn xuống 28,5 triệu tấn do năng suất thấp, trong khi, tiêu thụ được dự báo sẽ lên mức kỷ lục 28 triệu tấn. Philippines cũng dự kiến sẽ nhập khẩu 169.385 tấn đường vào năm 2016, nhằm tăng nguồn cung cho thị trường trong nước…
Trong khi ở nhiều quốc gia sẽ giảm sản lượng đường do thiếu mía nguyên liệu thì châu Âu dự kiến sẽ trở lại thị trường đường thế giới vào năm 2017, sau khi hạn ngạch sản xuất và hạn chế xuất khẩu đường được dỡ bỏ. Một số công ty sản xuất đường tại EU đã công bố ý định tăng sản lượng trong năm tới. Được sản xuất từ củ cải, đường tại khu vực này có ưu thế sản lượng cao và chi phí thấp, giúp EU từ chỗ nhập khẩu đường ròng có thể trở thành nhà xuất khẩu ròng hàng đầu trong thời gian tới.
Từ tháng 10-2015 đến nay, giá đường thế giới có xu hướng cải thiện. Tại Australia giá thu mua tại vườn năm 2016 hiện đang ở mức 520 USD/tấn, tăng mạnh (136%) so với mức 383 USD/tấn của năm 2015. Tại Mỹ, giá đường tương lai (Sugar #11 future) giao ngày 16-7-2016hiện đang ở mức 16,74 USD ( 13-5-2016), so với mức 14,29 USD ngày 13-4-2016và tăng tới 30% so với giá 12,83 USD ngày 2-2-2016…
Tác động nâng trần giá đường luôn gắn với tình hình Brazil. Nhu cầu ethanol tại thị trường Brazil cũng gia tăng làm trầm trọng hơn sự suy giảm sản lượng đường nước này. Mới đây, Tổng thống Brazil – bà Dilma Rousseff – đã bị Quốc hội bãi nhiệm giữa chừng gắn với những cáo buộc về ngân sách nhà nước. Điều này đã đẩy giá trị của đồng Real lên và kéo dài sự phục hồi của giá đường.
Tuy nguồn cũng vẫn thiếu hụt trong cả năm 2016, nhưng hoạt động của những nhà đầu cơ và các quỹ phòng ngừa rủi ro có thể tạo thêm xung lực khiến giá đường sẽ có nhiều biến động phức tạp trong thời gian tới.
Những vụ kiện cáo quốc tế về trợ giá đường cũng gia tăng giữa những nước sản xuất đường lớn nhất thế giới. Từ cuối năm 2015, các nhà sản xuất đường Brazil đã thu thập nhiều chứng cứ sẵn sàng kiện Thái-lan và Ấn Độ. Mới đây, Brazil đệ đơn kiện Thái-lan lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với cáo buộc cho rằng việc nước này trợ giá đường nội địa đã gián tiếp kéo giá đường thế giới giảm, làm tăng thị phần xuất khẩu của đường Thái-lan ra thế giới từ 12,1% lên mức 15,8% trong vòng bốn năm qua. Cùng trong thời điểm này, thị phần của Brazil trên thị trường đường giảm sút từ mức 50% xuống mức 44,7%, khiến Brazil thiệt hại ước tính khoảng 1,2 tỷ USD/năm.
Phản ứng lại, Bộ Công nghiệp Thái-lan cho rằng Chính phủ Thái-lan không trợ giá nhà sản xuất và luôn tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định về thương mại quốc tế. Những khoản tiền của các nhà sản xuất đường hỗ trợ người nông dân Thái-lan là khoản tiền được trích từ Quỹ ngành mía đường Thái-lan và hoàn toàn là tự gây quỹ. Trong trường hợp không đủ ngân sách, tiền hỗ trợ sẽ được vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp và Chính phủ Thái-lan không có vai trò gì trong hoạt động này (năm 2004, Brazil từng giành chiến thắng trong vụ kiện Liên hiệp châu Âu về chính sách sản xuất đường có ảnh hưởng đến thị trường thế giới. Nước này cũng đã từng thắng kiện Mỹ về chính sách trợ giá ngành bông).
Đường Việt giá bán và tồn kho đều tăng, triển vọng tích cực
Vụ sản xuất 2015-2016, các nhà máy ép mía dự kiến đạt 1,56 triệu tấn đường, trong đó đường luyện là 750.000 tấn. Nguồn cung đạt 1,881 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ khoảng 1,6 triệu tấn, cung vượt cầu khoảng 281.000 tấn, chưa kể lượng đường sản xuất tại Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai nhập về Việt Nam với thuế suất 2,5%.
Tính đến tháng 1-2016, nhập khẩu đường từ Lào đạt 0,62 triệu USD, chiếm 26,5% tổng kim ngạch. Nhưng Thái-lan mới là quốc gia xuất khẩu đường vào Việt Nam nhiều nhất trong tháng này, với kim ngạch đạt 1,26 triệu USD, chiếm 54,3% tổng kim ngạch nhập.
Tính chung trong năm 2015, giá đường bán buôn tại các nhà máy đã tăng từ 2.500- 2.700 đồng/kg, với xu hướng tăng dần từ cuối tháng 2 đến tháng 11-2015 và ổn định vào tháng 12-2015 đến tháng 2-2016. Từ cuối tháng 3-2016, giá đường bán ra tại các nhà máy có xu hướng tăng nhẹ nhờ kiểm soát tốt hàng nhập lậu và tăng tiêu thụ đường trong nước. Ngày 19-4, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội là 15.300-15.700 đồng/kg, tại miền trung 15.300-15.400 đồng/kg và tại TP Hồ Chí Minh 15.400-15.700 đồng/kg. So với đầu tháng, giá bán buôn đường kính trắng đã tăng 200-600 đồng/kg.
Tại các nhà máy phía bắc, giá đường RS loại 1 bán ra cuối tháng 3-2016 tăng 200 đồng/kg, lên mức 13.700-14.000 đồng/kg. Tại miền trung, giá đường cũng điều chỉnh tăng lên mức 13.800-14.000 đồng/kg. Tại các nhà máy phía nam, giá đường bán ra chỉ tăng nhẹ 100 đồng/kg, lên mức 14.000-14.500 đồng/kg. Tồn kho đường đến ngày 11-3-2016tăng lên mức 245.619 tấn tại các nhà máy đường thuộc Hiệp hội, còn tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 12.793 tấn đường.
Trong tháng 1-2016, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu đường sang các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Công (Trung Quốc), với tổng kim ngạch chỉ đạt 0,02 triệu USD, giảm 91,9% so với tháng 12-2015 và giảm mạnh 99,8% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu đường của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục ngưng trệ. Trung Quốc từ 11-3 đến 31-12-2016 đang và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp chống nhập lậu đường từ các nước Đông – Nam Á, tập trung mạnh ở khu vực Quảng Tây, giáp với biên giới Việt Nam và biên giới Lào.
Trong năm tháng đầu vụ 2015-2016 (một vụ bắt đầu từ tháng 10 năm này đến tháng 9 năm sau), Trung Quốc đã nhập khẩu 1,53 triệu tấn đường chính ngạch và khoảng 1,5 triệu tấn đường tiểu ngạch ở biên giới phía nam Trung Quốc. Nhưng từ 15-2-2016đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không xuất khẩu được 1 kg đường nào theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Về triển vọng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không những không quá ảnh hưởng đến ngành đường Việt Nam, mà còn mở ra cơ hội thâm nhập và xuất khẩu sang các nước có nền kinh tế phát triển với giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần tại thị trường nội địa. Nhu cầu đường nhập khẩu từ các quốc gia thành viên TPP lên đến xấp xỉ 9 triệu tấn/năm, cùng với việc hàng rào thuế quan sẽ từng bước được dỡ bỏ (mặc dù sẽ còn một số vướng mắc về tiêu chuẩn kỹ thuật tại các quốc gia) sẽ là cơ hội cho ngành đường Việt Nam thâm nhập thị trường các quốc gia phát triển theo các chế độ ưu đãi dành cho các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia phát triển trong TPP hiện đang trợ giá dưới nhiều hình thức ở mức bình quân rất cao, như: Mỹ 1,5 USD/kg, Nhật Bản 1,8 USD/kg, Canada 1,4 USD/kg…
Theo cam kết TPP, Chính phủ Mỹ sẽ thiết lập hạn mức (TRQs) 86.300 tấn đối với sản phẩm đường và các sản phẩm chứa đường từ các quốc gia Australia, Canada, Việt Nam, Malaysia và Nhật Bản. Nhật Bản cũng sẽ giảm mức thuế cao áp dụng cho sản phẩm có độ ngọt cao (high polarity sugar), sẽ ngay lập tức loại bỏ thuế quan 9% đối với một số dòng sản phẩm và thuế quan còn lại sẽ dần được loại bỏ trong vòng 11 năm, đồng thời hầu hết các loại mật rỉ từ mía sẽ được loại bỏ ngay lập tức.
Để khai thác các cơ hội mới, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn về nâng cao chất lượng và năng suất, đẩy mạnh tìm kiếm phân khúc thị trường ngách mà ngành đường Việt Nam có lợi thế riêng, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành đường: bio-plastic, hóa chất mỹ phẩm, men vi sinh chiết xuất từ mật rỉ…; Đặc biệt, sản phẩm đường hữu cơ sạch (organic sugar) hiện có giá trị gia tăng rất cao so với sản phẩm đường truyền thống (tại Mỹ có giá 5,5 USD/kg). Hơn nữa, giá đường trong nước cao hơn nhập khẩu là một bài toán và lực cản lớn cần được xử lý tốt.
Năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam thí điểm đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường để thay thế cho cơ chế xin-cho bằng hình thức phân bổ hạn ngạch cho doanh nghiệp như trước đây. Ngày 6-4-2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2345/VPCP-KTTH gửi các Bộ Công thương, Tài chính, Tư pháp, NN-PTNT và Hiệp hội Mía đường Việt Nam, về việc về việc thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016. Theo đó, Bộ Công thương, Bộ Tài chính khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan để thực hiện thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016, bảo đảm công khai minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương thức điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Khoản 2, Công văn số 5064/VPCP-KTTH ngày 2-7-2015 của Văn phòng Chính phủ; Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Công thương chuẩn bị các nội dung liên quan về vấn đề này để trao đổi với các đối tác khi cần thiết.
Bộ Công thương sẽ có Thông tư hướng dẫn về việc thành lập Hội đồng đấu giá thí điểm gồm các bộ Công thương, Tài chính, NN-PTNT, Tư pháp, do lãnh đạo Bộ Công thương là Chủ tịch Hội đồng. Đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện; số lượng đường đấu giá năm 2016 là 85.000 tấn, sẽ gồm cả đường thô và đường tinh luyện; để phù hợp với cam kết WTO là phân bổ cho đối tượng sử dụng cuối cùng nên sau khi trúng đấu giá, không được mua bán, trao đổi, chuyển nhượng …
Cơ chế mới giúp bảo đảm quyền lợi người trồng mía và doanh nghiệp chế biến đường trong nước, giảm tồn kho, trong khi tuân thủ và thực hiện được cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, hạn ngạch đưa ra quá ít dẫn đến một lượng lớn doanh nghiệp sản xuất bằng nguyên liệu đường lại gặp khó khăn về nguồn cung và tình trạng doanh nghiệp và người tiêu dùng phải sử dụng đường giá cao, bởi đường nhập khẩu rẻ hơn gần 20% giá đường nội địa.
Thực tế cho thấy, giá nguyên liệu sản xuất đường của Việt Nam từ 45 – 50 USD/tấn, các nước chỉ khoảng 30 USD/tấn. Trong khi tỷ lệ chi phí mía chiếm 75 – 80% trong giá thành đường. Kết quả, giá đường nước trong nước thường ở mức 12.000 – 13.000 đồng/kg, trong khi giá đường nhập khẩu từ các nước chỉ dao động ở mức từ 9.000 – 10.000 đồng/kg. Đây chính là nguyên nhân đường trong nước không cạnh tranh được với đường thế giới, mặc dầu trình độ công nghệ không chênh lệch đáng kể. Brazil, Thái-lan… luôn có những chính sách ưu đãi về thuế xuất khẩu, chi phí sản xuất… khiến giá đường đạt được ở mức có sức cạnh tranh tốt.
Nhiều người cho rằng đường nhập khẩu với giá rẻ vào nhiều sẽ tạo điều kiện để đường trong nước xuống không chỉ có lợi với người tiêu dùng, mà còn tăng sức ép nâng cao khả năng cạnh tranh và giúp cho ngành mía đường trong nước khỏi cảnh lao đao vì đường nhập lậu tràn vào.
Theo lộ trình đến năm 2018, thuế xuất nhập khẩu với mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0% thay vì 30% như hiện nay, tạo sức ép ngành mía đường Việt Nam phải đạt năng suất mía ở mức 70 tấn/ha và trữ lượng đường phải đạt 11 CCS so với hiện nay tỷ lệ trữ lượng đường trong mía ở miền trung chỉ đạt 10 CCS, trong khi Thái-lan là 12,9 CCS. Chi phí sản xuất mía đường cao, đặc biệt là mía nguyên liệu, cao hơn khoảng 25% so với các nước khác. Giá cả cao khiến cho sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam mất đi lợi thế.
Thực tế đã, đang và sẽ cho thấy, muốn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm đường Việt Nam chỉ có bằng cách đổi mới tư duy, mô hình tổ chức, đầu tư một cách bài bản trên cơ sở những lợi thế và liên kết bốn nhà để tạo thành vùng nguyên liệu diện tích lớn, sử dụng giống chất lượng cao, công nghệ chế biến tiên tiến để đa dạng sản phẩm, áp dụng kỹ thuật hiện đại, như phân bón sinh học từ bã mía, tận dụng các phụ phẩm khi sản xuất đường và ổn định đầu ra…
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()