Hai điểm đột phá trong quá trình hội nhập
Năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục nói chung, giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng chịu khá nhiều tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là năm GDĐH thu được nhiều thành tựu, tạo bước đột phá trong thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín quốc tế.
Đẩy nhanh quá trình tự chủ
Theo Vụ trưởng GDĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Nguyễn Thu Thủy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng GDĐH. Năm học 2019 – 2020 quyền tự chủ cho các trường đại học (ĐH) trong đào tạo, nhân sự và tài chính… được đẩy mạnh. Bộ GD và ĐT đã tổ chức rà soát, xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH gắn chặt với điều kiện bảo đảm chất lượng theo quy định. Trong đó, các trường được giao quyền mạnh hơn trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và tài chính; chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Quá trình mở ngành được rút ngắn, giảm bớt thủ tục hành chính giúp các trường chủ động trong đào tạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội. Số lượng mở ngành đào tạo tăng dần từng năm, tính từ năm 2016 đến giữa năm 2020 đã mở mới thêm 1.733 ngành. Nếu như năm 2016, Bộ GD và ĐT giao mở 295 ngành và các trường tự chủ mở 94 ngành đào tạo, thì trong 5 tháng đầu năm 2020 Bộ GD và ĐT chỉ giao mở 28 ngành, các trường tự chủ mở 149 ngành.
Đối với công tác tuyển sinh, các trường ĐH thực hiện tự chủ đã thay đổi định hướng đào tạo ở các hệ khác nhau; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Quy mô đào tạo chính quy đại trà có phần suy giảm trong khi quy mô đào tạo chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh. Năm học 2019 – 2020, tổng quy mô đào tạo là gần 1,7 triệu sinh viên (không bao gồm sinh viên đào tạo từ xa). Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm không thể tách rời của trường. Vì vậy, trên cơ sở được giao quyền tự chủ, các trường đã chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học – công nghệ. Các công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài; chỉ số nghiên cứu khoa học tăng mạnh. Nếu như năm 2015, số lượng các công trình công bố trên hệ thống SCOPUS/ISI chỉ có 4.159 bài báo khoa học thì đến năm 2019, tổng số công bố trên các hệ thống này đạt 12.307 bài. Đáng chú ý, năm 2020, lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới.
Khẳng định uy tín quốc tế
Cùng với thành công của quá trình tự chủ đại học, uy tín quốc tế của GDĐH Việt Nam ngày càng được nâng cao. Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, chất lượng GDĐH và uy tín quốc tế là hai trong nhiều yếu tố quan trọng tác động đến sự tồn tại và phát triển của các trường ĐH. Nếu như chất lượng tạo ra nền tảng phát triển bền vững thì uy tín quốc tế giúp các trường ĐH khẳng định vị thế và thu hút nguồn lực quốc tế để vươn xa hơn. Hệ thống GDĐH Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ với xu thế quốc tế hóa và tự chủ đại học. Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ sở GDĐH, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh về vị thế trong khu vực và trên thế giới về thứ hạng, danh tiếng. Bộ GD và ĐT cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho các cơ sở GDĐH hàng đầu. Bên cạnh việc đẩy mạnh tự chủ, Nhà nước vẫn quan tâm đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện về chính sách, cơ sở vật chất cho một số cơ sở GDĐH để nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Thời gian qua, các cơ sở GDĐH Việt Nam đã liên tục được ghi nhận trong các bảng xếp hạng đại học uy tín hàng đầu của thế giới.
Đến đầu năm học 2020 – 2021, cả nước có hơn 160 cơ sở GDĐH và hơn 300 chương trình đào tạo đã được các tổ chức kiểm định uy tín trong nước và quốc tế kiểm định chất lượng. Các cơ sở GDĐH đã và đang tiếp cận các công cụ quản trị để nhận diện năng lực của mình. Trước năm 2016, chỉ có hai đến ba trường ĐH của Việt Nam được vào danh sách các trường ĐH hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng 505 đại học tốt nhất châu Á năm 2019 (QS Asia 2019) do Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh quốc công bố, Việt Nam đã có bảy trường ĐH được xếp hạng gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội (hạng 124), ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (hạng 144); Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (nhóm 261-270), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (nhóm 291-300), Trường ĐH Cần Thơ (nhóm 351-400), ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng (nhóm 451-500).
Đáng chú ý, theo công bố tháng 9-2020, ba cơ sở giáo dục ĐH lọt vào bảng xếp hạng ĐH thế giới (World University Rankings 2021) của Thời báo Giáo dục đại học Times Higher Education (Anh quốc). Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp trong nhóm 801 – 1.000; ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong nhóm 1.001 . ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng vào tốp 101-150 bảng xếp hạng các trường ĐH trẻ tuổi có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới của Tổ chức xếp hạng đại học QS. Trong khi đó, xếp hạng ĐH thế giới theo thành tựu học thuật, Việt Nam có 11 nhóm ngành thuộc tốp 1.000 thế giới. Các nhóm ngành gồm: Ngành Kỹ thuật xây dựng, ngành Cơ khí, ngành Khoa học thông tin và Khoa học máy tính, ngành Kỹ thuật hóa học, ngành Toán học, nhóm ngành Kỹ thuật, nhóm ngành Kỹ thuật điện – điện tử, nhóm ngành Công nghệ, ngành Hóa học, ngành Vật lý, Y học và Khoa học sức khỏe. Trong đó, ngành Kỹ thuật xây dựng (Civil Engineering) đứng vị trí 373 thế giới và là vị trí nhóm ngành cao nhất của các trường ĐH Việt Nam…
Ý kiến ()