Hai đích ngắm, một mũi tên "lãi suất"
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định giảm trần lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Quyết định này được ví như "một mũi tên trúng hai đích": doanh nghiệp (DN) có thêm cơ hội tiếp cận vốn, ngân hàng (NH) đẩy mạnh hoạt động cho vay.
Nhưng đích có đạt được hay không, đòi hỏi cả NH và DN sẽ phải cùng vượt qua không ít khó khăn.
Vẫn khó vay vốn trung, dài hạn Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cơ khí Hà Giang Phước Tường (TP Đà Nẵng) Hà Giang cho biết: Việc hạ lãi suất được các NH thương mại nhà nước thực hiện ngay khi có chỉ đạo, riêng các NH thương mại cổ phần thực hiện còn chậm. Hiện, công ty chỉ tập trung vay ngắn hạn làm vốn lưu động, vay ở NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam với lãi suất 7%/năm, NH cổ phần thương mại An Bình lãi suất từ 8 đến 8,5%/năm. “Do công ty hoạt động hiệu quả, tài chính minh bạch, nghĩa vụ thuế đạt cao, trả lãi đúng hạn, cho nên các NH thường chủ động tìm đến mời chào cho vay.
Nhưng để đầu tư mở rộng sản xuất, công ty muốn tiếp cận nguồn vốn vay trung hạn. Các tiêu chí, điều kiện để được vay thì không lo, nhưng lãi suất vẫn còn quá cao, từ 11% đến 12%/năm”, ông Giang băn khoăn.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh, cách đây vài tháng, công ty đã vay vốn ngân hàng với lãi suất chỉ 6%/năm, với lãi suất như vậy là mức thấp nhất từ trước đến nay, hỗ trợ đắc lực cho DN phát triển sản xuất. Nhưng để được hưởng lãi suất thấp, không phải ai cũng vay được, vì đơn vị phải có năng lực, uy tín và phải thuyết minh tính khả thi của dự án với NH khi vay vốn.
Tuy nhiên, theo khảo sát, ở Đà Nẵng, những DN được NH “ưu ái” như hai DN nêu trên không nhiều vì điều kiện vay vốn các NH đưa ra quá thắt chặt và khắt khe. Đà Nẵng hiện có khoảng 14 nghìn DN vừa và nhỏ, đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến Đỗ Anh Tuấn bộc bạch: Công ty lúc nào cũng cần vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, nhưng rất khó tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp từ các NH. Hiện nay, DN đang vay NH với lãi suất trung bình 10,5%/năm, nên không dám đầu tư mở rộng vì lãi suất vẫn cao. “Hơn nữa, do kinh tế khó khăn nên việc mở rộng sản xuất chúng tôi rất cân nhắc, chủ yếu chú trọng đầu tư cho tăng trưởng theo chiều sâu”, ông Tuấn chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hoàng Khuyên, chuyên sản xuất, gia công hàng thủy tinh cho biết: Nhiều chủ DN vừa và nhỏ, do hiểu biết hạn chế về thủ tục, không tự mình viết được dự án, không thuyết minh được với NH, không có tài sản lớn để thế chấp, nên khó tiếp cận nguồn vốn vay của NH. Bên cạnh đó, phần lớn các DN đã vay NH trước đây với lãi suất cao, chưa trả xong nợ cũ, nên không được vay tiếp và không được hưởng lãi suất thấp.
Gỡ rào cản lãi suất Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, quyết định hạ lãi suất huy động nhằm tạo cơ hội để các NH giảm lãi suất cho vay. Ủy viên HĐQT – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Danh Lương cũng chia sẻ: Đồng thuận với chủ trương của NHNN, Vietcombank đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay trên toàn hệ thống. Riêng việc cho vay ngắn hạn bằng VNĐ, Vietcombank áp dụng lãi suất đối với năm lĩnh vực ưu tiên từ mức 8,0%/năm xuống còn 7,0%/năm và áp dụng trần lãi suất cho vay VNĐ trung, dài hạn 10%/năm đối với các đối tượng này.
Với mặt bằng lãi suất mới như vậy, nhiều ý kiến tin tưởng rằng, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN khi họ có thể tiết giảm thêm được chi phí và tăng điều kiện tiếp cận vốn. Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, tuy lãi suất thấp không phải là yếu tố quyết định nhưng chắc chắn là động lực cho DN vay vốn, giúp tín dụng tăng trưởng.
TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, DN vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay trung, dài hạn. Vì vậy, nếu các NH cân đối được để giảm thêm lãi suất xuống nữa cũng sẽ tạo động lực cho DN vay vốn. Theo TS Trần Hoàng Ngân, các DN hiện mong một nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất cố định thấp, ở mức 5-6%/năm, cao lắm là 7%/năm để họ có thể đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, tạo sản phẩm cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Mức lãi suất này các NH khó đáp ứng nổi, do vậy cần có thêm sự trợ giúp của Chính phủ.
Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, thời gian qua, lãi suất cho vay của nước ta vẫn cao hơn nhiều quốc gia. Với mặt bằng mới, lãi suất cho vay sau khi cắt giảm sẽ không còn là rào cản lớn đối với các DN nữa. Vấn đề hiện tại là phải có chính sách kích thích tổng cầu, giảm tồn kho cho DN. Ngoài ra, các thủ tục hành chính cản trở DN cũng cần được tháo gỡ. Đối với các DN, phải chủ động đánh giá “sức khỏe” của mình, xây dựng phương án phù hợp với năng lực tài chính, dòng tiền để khai thác tốt nhất điểm mới của chính sách. Có chiến lược vay – trả mới, linh hoạt, phù hợp với mặt bằng lãi mới để khai thác, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc MaritimeBank Trần Xuân Quảng cho biết, nguồn vốn trung, dài hạn luôn là bài toán khó đối với các NH. Bởi cơ cấu tiền gửi của khách hàng chủ yếu là ngắn hạn.
Với lượng vốn huy động ngắn hạn chiếm tỷ lệ quá lớn, nếu NH cứ cố cho vay dài hạn thì khi thị trường có biến động, NH sẽ rất dễ rơi vào bẫy thanh khoản, gặp rủi ro cao. Do đó, cần thiết phải phát triển thị trường vốn trung, dài hạn cho DN để giảm áp lực cho NH, đồng thời giúp DN có cơ hội đầu tư lớn, chủ động được trong kế hoạch kinh doanh dài hạn.
“Với đặc thù của các DN trong nước là nguồn vốn vay khá lớn, nên nếu giảm khoảng 0,5% lãi vay là có thể giúp DN giảm được khoản chi phí rất đáng kể. Ngoài ra, những DN nào còn chần chừ chưa muốn vay trước đó, khi chứng kiến lãi suất giảm sẽ kích thích họ vay vốn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc VietinBank Bùi Thị Như Ý cho biết: Từ đầu năm đến nay, trong khi lãi suất huy động giảm 1%/năm thì lãi suất cho vay của VietinBank giảm tới 1,5%/năm. Để bù đắp phần trích lập dự phòng rủi ro chung là 0,75% và từ 1% đến 1,5% chi phí hoạt động, nên NH vẫn phải bảo đảm lãi biên ở mức 2%.
Và thực tế, hiện chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của VietinBank xoay quanh mức 2% đến 2,5%/năm. Việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay sẽ tác động đến lợi nhuận của NH, nhưng NH sẵn sàng tiết giảm chi phí thường xuyên của mình để chia sẻ, hỗ trợ DN vượt khó khăn.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()