Hạ viện Mỹ trong cơn sóng gió
Hạ viện Mỹ đang chìm sâu vào khủng hoảng sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị cách chức trong cuộc bỏ phiếu hôm 3-10. Dự kiến cuộc bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo mới cho Hạ viện cũng sẽ hỗn loạn như khi ông McCarthy được bầu vào đầu năm nay.
Ông McCarthy đã buộc phải ra đi sau cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ tại Hạ viện chống lại ông vì đã làm việc với Đảng Dân chủ để Hạ viện thông qua dự luật ngân sách tạm thời vào phút chót giúp Chính phủ Mỹ thoát nguy cơ đóng cửa hồi tuần trước.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hạ viện Mỹ loại bỏ nhà lãnh đạo của mình, được thúc đẩy bởi một nhóm nhỏ các thành viên Cộng hòa cánh hữu do Hạ nghị sĩ Matt Gaetz thuộc Đảng Cộng hòa đi đầu. Ông Gaetz đã trình kiến nghị bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện, buộc Hạ viện phải tổ chức cuộc bỏ phiếu bãi miễn ông McCarthy.
Nghị sĩ Gaetz cáo buộc Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã nhiều lần vi phạm thỏa thuận đạt được với những người bảo thủ trong Hạ viện vào tháng 1 và việc ông thỏa thuận với các đảng viên Đảng Dân chủ để dự luật được thông qua là “giọt nước làm tràn ly”.
Việc ông McCarthy bị bãi miễn đánh dấu sự leo thang trong cuộc đối đầu kéo dài hàng tháng giữa Chủ tịch Hạ viện McCarthy và phe cánh hữu trong Hạ viện. Ông McCarthy phải trải qua 15 vòng bỏ phiếu một cách chật vật vào tháng 1 mới ngồi được vào chiếc ghế quyền lực. Chính ông Gaetz là một trong số hơn 20 nghị sĩ theo đường lối cứng rắn đã buộc ông McCarthy phải trải qua 15 vòng bỏ phiếu gian nan này.
Một trong những cái giá đắt cho chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện là ông McCarthy buộc phải đưa ra một thỏa thuận cho phép bất kỳ thành viên nào của Hạ viện cũng có thể kêu gọi một cuộc bỏ phiếu để phế truất người đứng đầu cơ quan lập pháp này và chỉ cần một kiến nghị như vậy được đưa ra, Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu bất tín nhiệm. Chính vì sự nhượng bộ này mà ông McCarthy luôn phải tìm cách xoa dịu phe cánh hữu trong Hạ viện và khó khăn hơn rất nhiều trong công tác điều hành ở Hạ viện.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters |
Không chỉ nghị sĩ Gaetz, nghị sĩ Đảng Cộng hòa Andy Biggs cũng bày tỏ thái độ trên mạng xã hội X với câu hỏi: “Ông ấy có nên tiếp tục làm Chủ tịch Hạ viện hay không?”.
Dự luật ngân sách tạm thời được thông qua khiến các nghị sĩ trên tức giận vì trong đó không bao gồm điều khoản nào về cắt giảm chi tiêu hay an ninh biên giới. Họ cũng cho rằng, ông McCarthy lừa dối họ khi thỏa thuận với Đảng Dân chủ về việc không đưa điều khoản liên quan đến viện trợ cho Ukraine vào dự luật, thay vào đó sẽ có dự luật riêng.
Ông McCarthy đã quyết định chọn biện pháp cứu Chính phủ dù đã lường trước được nguy cơ đối với chiếc ghế quyền lực của mình. Ông McCarthy tuyên bố: “Nếu tôi phải mạo hiểm công việc của mình do đã đứng lên vì người dân Mỹ, tôi sẽ làm điều đó”.
Nỗ lực hạ bệ ông McCarthy của nghị sĩ Gaetz không chỉ gây chia rẽ nội bộ giữa những thành viên Cộng hòa ở Hạ viện, khiến Hạ viện chìm vào bất đồng, mà đang đẩy Quốc hội Mỹ lún sâu vào tình trạng hỗn loạn. Lãnh đạo của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ phải quyết định thời gian bỏ phiếu bầu ra Chủ tịch Hạ viện mới. Theo giới quan sát, cuộc bỏ phiếu lần này cũng sẽ hỗn loạn như khi ông McCarthy được bầu hồi đầu năm nay, trừ khi phe Cộng hòa quyết tâm hợp sức để không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Câu hỏi được đặt ra hiện nay là: Ai có thể thay thế ông McCarthy? Ông Gaetz cho biết, ông ủng hộ nhân vật số 2 của phe Cộng hòa là ông Steve Scalise làm lãnh đạo Hạ viện. Ứng viên tiềm năng khác là nghị sĩ Tom Emmer, người dẫn đầu chiến dịch của Đảng Cộng hòa giành lại thế đa số trong Hạ viện tại cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Một số cái tên khác được nhắc đến như Jim Jordan hay ngôi sao đang lên Byron Donalds.
Theo Hiến pháp Mỹ, Chủ tịch Hạ viện không nhất thiết phải là thành viên Quốc hội. Chính vì thế, một số thành viên Đảng Cộng hòa đã đề xuất cựu Tổng thống Donald Trump cho vị trí này, mặc dù ông Trump đang tranh cử tổng thống và đã tuyên bố rằng ông không muốn vị trí đó.
Hiện Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Patrick McHenry sẽ tạm thời đảm nhiệm vị trí quyền Chủ tịch Hạ viện cho đến khi cơ quan lập pháp này bầu nhà lãnh đạo mới.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/ha-vien-my-trong-con-song-gio-745746
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()