Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật chi tiêu ngân sách trị giá 1.100 tỷ USD
Đêm ngày 11/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua một Dự luật về chi tiêu ngân sách trị giá 1.100 tỷ USD, nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan liên bang và giúp chính phủ thu hẹp nguy cơ bị đóng cửa như kịch bản xảy ra hồi tháng 10 năm ngoái.
Như vậy, với 219 phiếu ủng hộ và 206 phiếu chống, Dự luật mới về chi tiêu ngân sách đã được Hạ viện Mỹ thông qua chỉ vài giờ trước khi kế hoạch chi tiêu tạm thời hết hạn. Ngoài ra, Hạ viện Mỹ cũng thông qua một quy định cho phép Thượng viện có 48 giờ đồng hồ để thảo luận về bản Dự luật chi tiêu ngân sách mới. Bản dự thảo này cần được Thượng viện Mỹ thông qua trước khi được Tổng thống Barack Obama ký thành luật.
Bản Dự luật ngân sách mới bao quát toàn bộ các hoạt động chi tiêu của các cơ quan chính phủ cho tới cuối tháng 9/2015, tuy nhiên, Bộ An ninh Nội địa Mỹ trước mắt chỉ được cấp ngân sách hoạt động đến tháng 2/2015.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 11/12, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner tin tưởng, Quốc hội nước này sẽ thông qua Dự luật về ngân sách mới, bất chấp sự phản đối của một số thành viên đảng Dân chủ.
Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, phát ngôn viên Nhà trắng Josh Earnest khẳng định, Tổng thống Obama sẽ ký vào bản dự thảo chi tiêu ngân sách cho năm tài khóa 2015 nếu như văn kiện này được Quốc hội Mỹ thông qua. Ông Earnest cho rằng, sở dĩ ông có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của Tổng thống là do bản dự thảo chi tiêu ngân sách mới có bao quát tới một loạt các hoạt động cần thiết, trong đó gồm: 4,5 tỷ USD dành cho cuộc chiến chống đại dịch Ebola; 750 triệu USD hỗ trợ chương trình giáo dục sớm của ông Obama, cùng một khoản chi tiêu đáng kể cho chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu…
Việc Quốc hội Mỹ, vào năm ngoái không thể đạt được đồng thuận về ngân sách liên bang thường niên cũng như một dự luật chi tiêu ngắn hạn đã khiến chính phủ nước này phải đóng cửa từng phần trong vòng 16 ngày. Theo số liệu ước tính, sự kiện chính phủ Mỹ bị đóng cửa hồi năm ngoái đã khiến nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới chịu thiệt hại từ 12-24 tỷ USD (tương đương với 1,5 tỷ USD/ngày) và mất khoảng 250.000 việc làm.
Theo CPV
Ý kiến ()