Hạ viện Mỹ bỏ phiếu ngăn chặn bán máy bay cho Iran
Ngày 17/11, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm cấm bán máy bay cho Iran, tìm cách chặn đứng các thương vụ mà tập đoàn Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu ký kết, từng được chính quyền của Tổng thống Barack Obama chấp thuận.
Dự luật được thông qua với 243 phiếu thuận và 174 phiếu chống. 8 nghị sĩ của đảng Dân chủ đã kết hợp lá phiếu của mình cùng các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ dự luật. Trong khi đó, 174 phiếu chống đều thuộc về các nghị sĩ của đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ.
Biện pháp vừa được thông qua sẽ cấm Bộ Tài chính cấp giấy phép cho các ngân hàng Mỹ để tài trợ cho việc bán các máy bay thương mại. Đây là sáng kiến mới nhất kể từ khi các nghị sĩ Cộng hòa được bầu vào Hạ viện nhằm chống lại thỏa thuận quốc tế mà Iran, Mỹ và các cường quốc khác đưa ra về chương trình hạt nhân của Iran.
Văn bản vừa được Hạ viện bỏ phiếu tuy vậy sẽ có rất ít cơ hội được thông qua vào nhiệm kỳ hiện tại. Dự luật vẫn cần được Thượng viện thông qua và Tổng thống phê chuẩn ban hành mới có hiệu lực trong khi tại Thượng viện, văn bản này sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ đảng Dân chủ, và đồng thời cần vượt qua trở ngại tương tự từ phía của Nhà Trắng.
Từ đầu năm đến nay, Iran đã đặt mua hơn 200 máy bay với tổng trị giá 50 tỷ USD của Airbus và Boeing để hiện đại hóa và mở rộng hạm đội bay đã cũ. Nhiều năm bị áp đặt lệnh trừng phạt đã để lại cho Iran những chiếc máy bay đã quá hạn sử dụng và không an toàn. Lệnh trừng phạt được gỡ bỏ sau khi Iran chấp thuận dừng chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, nhiều điều khoản trừng phạt vẫn được giữ lại. Ví dụ như Mỹ sẽ tiếp tục cấm các doanh nghiệp làm ăn với Iran bằng đồng USD. Điều này sẽ gây phức tạp cho việc tìm nguồn tài chính cho các hợp đồng trị giá khổng lồ này, vì nhiều ngân hàng còn e ngại làm việc với Iran.
Boeing là công ty của Mỹ có trụ sở tại Chicago. Trong khi đó, mặc dù Airbus có trụ sở chính tại Pháp song nhà sản xuất này phải nhận được sự chấp thuận từ Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) về việc bán máy bay cho Iran vì ít nhất 10% các bộ phận của máy bay được sản xuất tại Mỹ.
Iran ước tính sẽ cần ít nhất 400 máy bay chở khách để đáp ứng nhu cầu trong 10 năm tới. Quốc gia này cho rằng nếu không “mở cửa” thị trường hàng không, Mỹ sẽ vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký kết với Nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7/2015./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()