Hà Tĩnh thực hiện chuyển đổi mùa vụ
Giống lúa lai Ấn Độ được đưa vào gieo cấy vụ đông xuân 2011 - 2012 ở Can Lộc (Hà Tĩnh) phát triển tốt. Trong khi nhiều tỉnh ở phía bắc đã chuyển đổi thành công cơ cấu trà lúa xuân sớm sang xuân muộn trong vụ sản xuất đông xuân, thì nhiều địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh vẫn duy trì nếp sản xuất cũ. Bắt đầu từ vụ đông xuân này, dù muộn, nhưng huyện Can Lộc đi đầu làm cuộc cách mạng vận động nhân dân đột phá sản xuất theo hướng mới.Chuyển mùa vụ, giống ở miền quê Từ thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, chúng tôi đi về hướng đông theo con đường trải nhựa thoáng rộng về xã Tùng Lộc. Cánh đồng thẳng cánh cò bay ven hai bên lộ, lúa đã bén xanh. Trên các cánh đồng, trời nắng ấm, bà con nông dân đang tranh thủ cấy nốt những thửa ruộng còn lại. Bên ruộng lúa lai đã bén rễ xanh tốt, ông Trần Nhân, xóm Liên Sơn hỉ hả: "Nhà tôi có một mẫu ruộng, vụ sản xuất đông xuân năm nay khác với mọi năm, gia đình quyết bỏ không...
Giống lúa lai Ấn Độ được đưa vào gieo cấy vụ đông xuân 2011 – 2012 ở Can Lộc (Hà Tĩnh) phát triển tốt. |
Chuyển mùa vụ, giống ở miền quê
Từ thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, chúng tôi đi về hướng đông theo con đường trải nhựa thoáng rộng về xã Tùng Lộc. Cánh đồng thẳng cánh cò bay ven hai bên lộ, lúa đã bén xanh. Trên các cánh đồng, trời nắng ấm, bà con nông dân đang tranh thủ cấy nốt những thửa ruộng còn lại. Bên ruộng lúa lai đã bén rễ xanh tốt, ông Trần Nhân, xóm Liên Sơn hỉ hả: “Nhà tôi có một mẫu ruộng, vụ sản xuất đông xuân năm nay khác với mọi năm, gia đình quyết bỏ không cấy loại giống lúa trà xuân sớm IR1820 để trồng các loại giống lúa lai ngắn ngày, trà xuân muộn”. Xóm trưởng Phạm Phúc Thái cũng vừa đi thăm đồng hồ hởi cho biết: Xóm Liên Sơn có 120 hộ, thâm canh trên tổng diện tích 20 ha, hàng chục năm nay quen sản xuất gieo trồng lúa xuân sớm IR1820. Gặp thời tiết rét đậm, bà con gieo mạ chết hàng loạt, may cũng là lúc gặp chủ trương của huyện, xã bỏ trà lúa xuân sớm chuyển sang trồng lúa xuân muộn. Có sự hỗ trợ của Nhà nước về giống, ni-lông phủ… bù cho số diện tích lúa xuân sớm bị chết, đến nay 90% diện tích đã cấy lúa giống IR 1820 được phá bỏ chuyển sang giống lúa lai xuân muộn đang bén rễ phát triển tốt. Để có được sự đồng thuận, thay đổi tập tục làm ăn cũ đã có hàng chục năm, xóm chúng tôi phải mất nhiều thời gian tổ chức họp, từ chi bộ đến các tổ chức đoàn thể rồi họp dân để tuyên truyền quán triệt chủ trương của huyện, của xã về chuyển đổi giống trong sản xuất vụ đông xuân năm nay. Trước hết, các gia đình đảng viên, cựu chiến binh, cán bộ phụ nữ, đoàn thanh niên gương mẫu thực hiện trước. Thấy vậy, bà con đồng tình làm theo. Chị Phan Thị Đệ, xóm Minh Tiến đang thăm ruộng vui vẻ cho biết: “Nhà tôi chỉ có hai lao động, năm nay nghe xã, xóm vận động, vợ chồng tôi bắc mạ giống lúa lai ngắn ngày. Gặp đợt rét dài nhưng được xã hỗ trợ ni-lông che phủ, cho nên mạ không chết. Lập xuân, trời ấm, mạ lại lên khỏe cho nên cấy xuống cây nào là chắc ăn cây đó, hy vọng vụ này gia đình tôi sẽ có một mùa bội thu”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc Phan Văn Tiếu vui vẻ đùa: “Giờ thì thở phào rồi! “đầu đã xuôi”, không ai bị “Tư lệnh” túm cổ kỷ luật. Ông giải thích, “Tư lệnh” là Chủ tịch UBND huyện Bùi Huy Tam, trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo giao, nếu anh nào lơ mơ là kỷ luật ngay. Do vậy ai cũng lo phần công việc của mình. Cũng như nhiều xã khác ở huyện Can Lộc, hàng chục năm nay, bà con nông dân chỉ quen sản xuất trà xuân sớm với giống lúa cũ IR1820. Giống lúa truyền thống này tuy thành gạo cao, ngon nhưng đã bị thoái hóa, thời gian sinh trưởng dài ngày, nhiều sâu bệnh, đầu tư lớn, năng suất cao nhất chỉ đạt từ 50 đến 52 tấn/ ha. Khi có chủ trương của huyện, xã dừng đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác để tập trung cho sản xuất vụ đông xuân. Xã dùng 300 triệu đồng do huyện giúp xây dựng cánh đồng mẫu để hỗ trợ nông dân. Để vận động chuyển đổi từ sản xuất trà lúa xuân sớm sang xuân muộn, trong lúc hầu hết bà con nông dân đã bắc mạ và gieo giống IR1820. Cùng với việc tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ thuật, tăng cường công tác thủy lợi, với sự hỗ trợ của huyện về giống (giống đổi giống), ni-lông che phủ…; Ba tuần liền họp bàn kiên trì vận động quyết liệt, đã cho kết quả, trên đồng ruộng vụ này có 90% diện tích được chuyển sang sản xuất trà xuân muộn trong số tổng diện tích 482 ha thâm canh lúa. Như vậy chỉ còn vài trăm hộ/2.000 hộ sản xuất trà lúa xuân sớm với giống cũ. Các giống lúa lai ngắn này, chất lượng cao lần đầu tiên có mặt ở đồng ruộng Tùng Lộc như: BTE1, TH3-3, Nhị ưu 838, QR1, Nếp 9798…
Cùng làm cuộc đột phá chuyển đổi trong vụ sản xuất đông xuân này là các xã Yên Lộc, Tiến Lộc, Vượng Lộc, Song Lộc… đã chuyển từ 80 đến 90% diện tích sang trà xuân muộn. Theo báo cáo của UBND huyện Can Lộc, 13 xã đã hoàn toàn bỏ trà xuân sớm với giống IR1820, toàn huyện đã đạt 70% số diện tích cơ cấu trà xuân muộn, bố trí giống lúa lai ngắn ngày chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; gần 200 ha cánh đồng mẫu hứa hẹn năng suất vượt trội được xây dựng. Về Can Lộc hôm nay, trong các ngõ xóm bên ấm chè xanh, trong các đám cưới, hỏi giỗ…, câu chuyện về mùa vụ, giống mới râm ran hơn bao giờ hết.
“Cũ người mới ta”
Để tạo bước đột phá, Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc đã ra Nghị quyết 07 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2011-2012. Đó là sự trăn trở, quyết tâm làm cuộc cách mạng nâng cao năng suất và sản lượng lúa của địa phương dù hơi muộn. Kinh nghiệm được Ban Thường vụ Huyện ủy phát huy chính là thành công trong nhiều năm chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống của các tỉnh phía bắc và gần sát cạnh là huyện lúa Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Mục tiêu đề ra từ vụ đông xuân này, chủ trương không cơ cấu trà xuân sớm và giống lúa IR1820, hướng tới chỉ bố trí sản xuất trà xuân muộn rộng khắp trong các năm sau, tạo bước đột phá trong sản xuất lúa vụ đông xuân.
Huyện tranh thủ mọi nguồn lực, dồn sức hỗ trợ nông dân sản xuất. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật được huy động tối đa hướng dẫn và cùng với bà con ứng dụng quy trình sản xuất. Hàng trăm tấn giống lúa, hàng chục nghìn mét ni-lông được kịp thời cung ứng cho nông dân sản xuất lúa xuân muộn.
Đức Thọ là địa phương đi đầu của tỉnh Hà Tĩnh trong việc thực hiện chuyển đổi mùa vụ. Ngoài các giải pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ giống… một số địa phương còn dùng các giải pháp mạnh như phá bỏ số diện tích mạ IR1820, kiểm điểm cán bộ, đảng viên yếu kém trong chỉ đạo và tính gương mẫu… Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm, đến nay, Đức Thọ đã cơ bản bỏ được trà lúa xuân sớm. Các giống lúa lai xuân trung và xuân muộn vừa cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao vừa tránh được rét đậm, rét hại kéo dài và chạy mưa bão. Tuy mới là năm đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhưng một số xã của huyện lúa này như Trung Lễ, Yên Hồ… đã quy hoạch diện tích liền vùng lên đến 150 ha để trồng lúa nguyên chủng ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, theo hướng hàng hóa.
Thời tiết chung của vùng Bắc Trung Bộ là lũ lụt, gió Lào, hạn hán cộng với sự biến đổi của thời tiết cho nên việc điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng là tất yếu. Thực tiễn cho thấy, các loại giống lúa trà xuân sớm gồm: IR 1820, IR57494… nhiều loại giống đã bị thoái hóa, thời gian sinh trưởng dài (hơn 180 ngày); kháng chịu sâu bệnh yếu… Vừa qua, các đợt rét trùng vào thời kỳ đầu của quá trình sinh trưởng trà xuân sớm và một phần xuân trung đã khiến hơn 10 nghìn ha lúa không còn khả năng hồi phục; có đến một phần ba diện tích thiếu mạ cấy với hàng trăm tấn giống. Tỉnh Hà Tĩnh phải chi hơn 20 tỷ đồng cứu lúa chết rét. Vì vậy, người nông dân cần phải lựa chọn nguồn giống phù hợp hơn, vừa đáp ứng năng suất, chất lượng, vừa bảo đảm ứng phó tốt với điều kiện khí hậu ngày một khắc nghiệt. Vụ đông xuân 2011 – 2012, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xây dựng đề án mục tiêu giảm trà xuân sớm xuống dưới 20% bằng các giải pháp tập trung cung ứng các loại giống trà xuân muộn chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 150 ngày), phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đến thời điểm này, Đức Thọ là địa phương có số diện tích lúa, mạ bị chết rét ít nhất tỉnh đã phần nào nói lên thành công trong việc loại bỏ trà lúa xuân sớm (giống IR1820) ra khỏi cơ cấu vụ đông xuân.
Hiện tỉnh đang xây dựng đề án khảo nghiệm xác định bộ giống phù hợp, năng suất chất lượng hiệu quả kinh tế cao, giai đoạn 2012 -2015 có tính đến năm 2020, tiến tới giảm dần và không cơ cấu giống dài ngày… Bỏ trà lúa xuân sớm sẽ tạo bước ngoặt để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và hiệu quả. Đây là yêu cầu cấp thiết đưa công cuộc xây dựng nông thôn mới vào chiều sâu và hiệu quả ở Hà Tĩnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()