Hà Tĩnh sơ tán gần 30 nghìn người dân vùng ven biển đi tránh bão số 10
Bão số 10 đang áp sát đất liền, để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, ngày 14/9, tỉnh Hà Tĩnh đã di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và khẩn trương giúp dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão.
Người dân xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh thu hoạch lúa sớm để giảm thiểu thiệt hại cơn bão số 10 gây ra.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ sáng sớm 14/9, để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão, người dân Hà Tĩnh từ sáng sớm đã có mặt trên các cánh đồng hối hả gặt lúa chạy bão. Hầu hết diện tích lúa ở các huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Can Lộc, Lộc Hà… đều đã được bà con thu hoạch xong, một số diện tích còn lại vẫn được người dân tiếp tục thu hoạch.
Tại thị xã Kỳ Anh, công tác phòng chống bão đang được địa phương gấp rút triển khai. Theo báo cáo, đến thời điểm này, 1.558 tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân thị xã Kỳ Anh đã chủ động ra khỏi vùng nguy hiểm. Các tàu công suất trung bình và nhỏ đánh bắt trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn.
Lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa tránh bão. Tại huyện Cẩm Xuyên, Chủ tịch UBND huyện Phạm Đăng Nhật cho biết, trên địa bàn huyện, việc thu hoạch lúa vụ hè thu đã hoàn tất gần 1 tuần nay nên hiện tại chính quyền đang tập trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn. Đối với các xã vùng bãi ngang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão, chằng chéo lưới, đắp bờ cao lên để bảo vệ khu vực nuôi trồng thủy sản.
Tại huyện Cẩm Xuyên, chính quyền thị trấn Thiên Cầm đã yêu cầu người dân di dời toàn bộ hàng hoá tại Khu du lịch biển Thiên Cầm đến nơi an toàn. Cẩm Xuyên cũng đã có phương án di dời dân những vùng xung yếu đi tránh bão.
Người dân xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) di dời hàng chục tấn cá vào trong ao nuôi tránh bão. Tại TP Hà Tĩnh, cơ quan chức năng phối hợp với người dân chặt hạ cây cối. Trên cánh đồng xã Thạch Trung, Thạch Hạ, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, người dân nhanh tay gặt lúa trên những mảnh ruộng có nguy cơ mưa bão nhấn chìm.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cũng yêu cầu hơn 700 trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học từ ngày 15 đến hết ngày 16/9.
Để bảo đảm an toàn công trình và tránh xả lũ lưu lượng lớn trong mưa có thể gây ngập úng hạ lưu, các hồ đập trên địa bàn tỉnh như: Hồ Sông Trí, Tàu Voi, Kim Sơn, Sông Rác… đã xả tràn từ 7h sáng 14/9, riêng Kẻ Gỗ xả từ 16h ngày 13/9.
Từ 14h chiều 14/9, các địa phương vùng ven biển Hà Tĩnh tập trung di dời người dân đến nơi an toàn. Tỉnh Hà Tĩnh đã ra lệnh cấm biển và sơ tán dân. 17h chiều 14/9, tỉnh Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành công tác di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Người già và trẻ em vùng ven biển Hà Tĩnh được tập trung di dời đến nơi an toàn. Trong đó, huyện Kỳ Anh 1.163hộ/3.126 người; thị xã Kỳ Anh 1.226 hộ/2.913 người; Khu kinh tế Vũng Áng 12 đơn vị/11.810 người; huyện Cẩm Xuyên 1.161hộ/3.383 người; huyện Thạch Hà 1.137 hộ/3.778 người; huyện Lộc Hà 2.688 hộ/10.700 người; huyện Nghi Xuân 3.257hộ/10.986 người; TP Hà Tĩnh 284 hộ/704 người.
Chiều 14/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng đã kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 tại huyện Kỳ Anh và lưu ý địa phương cần chủ động các phương án “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp của bão.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng yêu cầu địa phương phân công, bố trí cán bộ túc trực thường xuyên, theo dõi thông tin, diễn biến bão số 10 để có các phương án ứng phó kịp thời. Các xã vùng biển như: Kỳ Khang, Kỳ Phú, Kỳ Xuân cần đề phòng nguy cơ triều cường dâng cao để chủ động ứng cứu; đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho nhân dân trong quá trình di dời lưu trú tránh bão, không để dân đói, khát.
Lúc 6h sáng 15/9, ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Hà Tĩnh cho biết: Đến thời điểm này toàn bộ số lượng tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được đưa vào tránh trú tại các địa điểm an toàn. Bên cạnh đó, đã hoàn thành việc di dời gần 8 nghìn hộ dân với gần 30.000 người của 8 xã ven biển đến nơi an toàn trước 17h ngày hôm qua (14/9). Sáng nay, tỉnh tiếp tục di dời những hộ còn lại trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền tới từng hộ dân, nếu họ vẫn không chịu di chuyển thì các lực lượng chức năng buộc phải cưỡng chế. Hà Tĩnh đã huy động các lực lượng ứng phó tại chỗ như Bộ đội, Công an với gần 11.000 chiến sỹ xuống các địa bàn để giúp đỡ người dân. C ác địa phương đã tiến hành thu hoạch 100% diện tích lúa hè thu, còn diện tích lúa mùa do chưa chín nên không thể thu hoạch. Về tình hình bảo vệ an toàn cho các hồ chứa và hệ thống đê đập, ông Hợi cho biết, hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo xả bớt nước ở một số hồ trước khi mưa bão đổ bộ vào Hà Tĩnh. |
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()