Hà Tĩnh lo nhà cho người nghèo
Niềm vui được mùa bên ngôi nhà mới của mẹ con chị Đặng Thị Hiên ở xóm Trung Xá, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc. Năm 2005, Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tranh tre, dột nát. Sáu năm sau, Hà Tĩnh vẫn tiếp tục đi đầu về việc hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/CP và 67/CP của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 167 và 67) giúp mười nghìn hộ nghèo trên vùng quê "chảo lửa, túi mưa" có được niềm vui trong những ngôi nhà mới.Bà Trần Thị Hồng, ở xóm 1, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) có chồng nguyên là cán bộ xã Đồng Lộc trong những năm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt Ngã ba Đồng Lộc đã mất sau cơn bạo bệnh. Sau khi chồng mất, cuộc sống của mẹ con bà lâm vào cảnh khó khăn. Sống trong nếp nhà tồi tàn, ý nghĩ về một ngôi nhà kiên cố của mẹ con bà Hồng chỉ là trong mơ. Khi nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh cộng thêm tiền vay ngân hàng để xây nhà, bà Hồng...
|
Bà Trần Thị Hồng, ở xóm 1, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) có chồng nguyên là cán bộ xã Đồng Lộc trong những năm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt Ngã ba Đồng Lộc đã mất sau cơn bạo bệnh. Sau khi chồng mất, cuộc sống của mẹ con bà lâm vào cảnh khó khăn. Sống trong nếp nhà tồi tàn, ý nghĩ về một ngôi nhà kiên cố của mẹ con bà Hồng chỉ là trong mơ. Khi nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh cộng thêm tiền vay ngân hàng để xây nhà, bà Hồng còn được bà con trong xóm giúp công sức, tiền, vật liệu… Trong ngôi nhà mới, bà Hồng nghẹn ngào: “Nếu không có chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của bà con thì mẹ con tui không bao giờ có ngôi nhà này!”.
Đồng Lộc, nơi có Ngã ba Đồng Lộc một thời kiên cường đối đầu với sự tàn ác của giặc Mỹ (bình quân mỗi m2 hứng chịu ba quả bom), tuy tỷ lệ đói nghèo còn cao so với cả nước, nhưng 100% số hộ đã có nhà ngói. Trong đó, có nhiều ngôi nhà của các gia đình nghèo thuộc diện chính sách được xây dựng theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các nhà hảo tâm và nhân dân.
Niềm vui của bà Hồng cũng chính là niềm vui chung của nhiều gia đình chính sách ở xã Tiến Lộc, nơi có làng K130 huyền thoại. Nơi đây, 130 gia đình trong làng Hạ Lội chỉ trong đêm 13-8-1968 đã tự nguyện dỡ nhà cửa lót đường cho đoàn xe chở vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền nam. Nay chính tại nơi này, tất cả các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn đã được sống trong những ngôi nhà chính sách ấm áp nghĩa Đảng, tình dân.
Với truyền thống “tương thân tương ái”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” người dân Can Lộc đã đùm bọc hỗ trợ nhau để cùng vươn lên. Bí thư Huyện ủy Can Lộc Bùi Đức Hạnh cho biết: Chuyện 1.500 gia đình nghèo ở huyện Can Lộc được giúp đỡ xóa nhà tranh tre, dột nát sáu năm về trước, cùng 674 gia đình nghèo, chính sách hôm nay được hỗ trợ xây dựng nhà ở của Chính phủ thể hiện một cách sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Huyện lúa Đức Thọ, một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh Hà Tĩnh trong việc hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo. Trong phong trào này ở Đức Thọ đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình. Ông Phan Văn Thuận, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Tâm, xã Đức Đồng đã đứng ra làm “chủ thầu” trong xây dựng nhà ở cho gia đình anh Phan Đình Văn. Đã hơn mười năm nằm liệt giường bởi bệnh suy tim cấp 4 và tê liệt nửa người, anh Văn nói: “Bần túng, đói nghèo cứ thế bám riết lấy gia đình tôi. Do vậy việc có ngôi nhà mới, gia đình tui không bao giờ dám nghĩ đến”. Còn chị Nguyễn Thị Hà, vợ anh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi: “Khi bác Thuận đến thông báo, gia đình được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở theo QĐ 167, ai cũng lặng người vì cảm động. Anh Văn nằm trên giường bật khóc và khăng khăng từ chối việc xây nhà. Anh nói, dù Nhà nước có hỗ trợ, cho vay tiền để xây nhà, nhưng với hoàn cảnh gia đình mình làm sao mà làm nổi. Bác Thuận bảo, đây là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, là cơ hội để gia đình có nhà mới và bác Thuận hứa sẽ đứng ra làm “chủ thầu” và vận động bà con giúp đỡ thì chồng tui mới dám gật đầu”. Hằng ngày, Bí thư Chi bộ Phan Văn Thuận lặn lội khắp làng trên, xóm dưới, liên hệ với các cửa hàng buôn bán vật liệu để tín chấp, mua nợ nguyên vật liệu, vận động các đoàn thể trong thôn đóng góp thêm vật liệu, tiền bạc, ngày công. Kết quả là hơn hai tháng sau, gia đình anh Văn đã có một ngôi nhà trị giá hơn 50 triệu đồng.
Ở vùng quê người dân quanh năm vật lộn với thiên tai khắc nghiệt, 50% dân số thuộc diện nghèo và cận nghèo, nhưng từ năm 2002 đến nay, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ đã xây được gần 250 nhà cho hộ nghèo, trong đó có 66 hộ có người bị bệnh tâm thần hay thần kinh không bình thường. Trong đó có sự đóng góp đáng kể công sức của nhiều “nhà thầu” như Bí thư Chi bộ Phan Văn Thuận và sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cùng người dân, nhất là, sự giúp sức của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cùng cán bộ, viên chức huyện Đức Thọ.
Ở huyện miền núi Hương Khê, có hơn một nửa số hộ nghèo và cận nghèo, lo cái ăn đã khó nói gì đến chuyện làm nhà khang trang. Riêng trận lũ kép lịch sử tháng 10-2010 để lại cho Hương Khê hậu quả nặng nề, hàng nghìn ngôi nhà của nhân dân bị tàn phá nghiêm trọng, đời sống dân sinh bị ảnh hưởng nặng nề. Bí thư Huyện ủy Hà Hùng cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của QĐ 167 và Quyết định 67 cùng sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, Hương Khê cơ bản hoàn thành việc xây dựng gần 2.200 ngôi nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, góp phần ổn định an sinh ở miền tây Hà Tĩnh.
Được biết, ở Hà Tĩnh mỗi địa phương đều có cách làm sáng tạo. Do thời gian triển khai ngắn, số lượng nhà phải xây lại lớn cho nên nhiều địa phương đã tập trung vận động bà con đóng góp tiền của, vật liệu: đá, cát, gỗ… cùng ngày công để san lấp mặt bằng, lợp ngói. Phần còn lại thuê người làm, cho nên chất lượng nhà bảo đảm, hình thức đẹp.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: Hà Tĩnh vốn là tỉnh dẫn đầu cả nước trong phong trào xóa nhà tranh tre, dột nát, đến năm 2005 đã cơ bản “xóa” hết (hơn 12 nghìn ngôi nhà) tranh tre, dột nát. Quyết định của Chính phủ đã tạo cơ hội tốt để tỉnh nghèo Hà Tĩnh có thêm cơ hội tiếp sức giúp hộ nghèo, gia đình chính sách làm nhà ở. Cách làm của Hà Tĩnh là thành lập Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở, tuyên truyền, vận động sự hưởng ứng ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và sự chia sẻ của cộng đồng và các nhà hảo tâm, gần 11 nghìn ngôi nhà tạm bợ ở Hà Tĩnh dần được thay thế bằng những ngôi nhà “ba cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Nhiều gia đình sau khi được “an cư” đã có thể “lạc nghiệp”, nhanh chóng vươn lên thoát đói, thoát nghèo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()