Hà Tĩnh đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực
|
Sau ba năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều đổi mới, tạo được chuyển biến tích cực, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Tĩnh, Trưởng ban chỉ đạo Phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực (THTT-HSTC) tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Khắc Hào cho biết: Sau khi phong trào được phát động và triển khai, toàn tỉnh có 831 trường đăng ký tham gia. Trong đó có 278 trường mầm non, 306 trường tiểu học, 189 trường trung học cơ sở (THCS), 46 trường trung học phổ thông (THPT) và trung tâm giáo dục thường xuyên có 12 trường. Đến nay, toàn tỉnh có 685 trường có khuôn viên cây xanh, cây cảnh được quy hoạch bảo đảm thoáng mát, tạo cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp. Từ tháng 9-2008 đến nay, các trường học đã trồng mới hơn 403 nghìn cây xanh, xây mới hơn một nghìn công trình vệ sinh. Đặc biệt, trong năm học vừa qua có 819 trường thực hiện tốt việc bảo đảm ba đủ cho 100% số học sinh, không có học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sách vở.
Hoạt động của các trường đã có sự đổi mới về phương pháp dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng phát huy tính tích cực của học sinh trong các giờ học, cũng như các hoạt động ngoại khóa. Tính từ tháng 5-2010 đến nay, toàn tỉnh có hơn 17 nghìn giáo viên dự tập huấn; hơn 800 trường đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới hoạt động giáo dục cho học sinh; 100% số cán bộ giáo viên toàn ngành đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo thầy Bùi Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Trấn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, để học sinh tích cực trong học tập, thầy giáo, cô giáo phải có phương pháp giảng dạy tích cực. Vì vậy, trong những năm qua, trường đã tiến hành đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện đúng chuẩn chương trình. Đồng thời, phân nhóm trong giờ học để giúp cho học sinh biết cách học sáng tạo, chủ động và hào hứng hơn trong quá trình học tập, tập dần với thói quen tự mình tìm hiểu và khám phá những tri thức mới. Ngoài ra, trường còn chú trọng việc nâng cao chất lượng dạy học, gây hứng thú và giảm bớt căng thẳng cho học sinh trong học tập. Chuyển biến rõ nét nhất của trường là đưa các trò chơi dân gian, hát dân ca và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian vào trường học. Qua đó, học sinh được giáo dục một cách toàn diện, cũng như ý thức được tầm quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Cũng chính từ hiệu quả của phong trào mà khí thế học tập, tinh thần và thái độ học tập của học sinh ngày càng tốt hơn. Từ chỗ thụ động ỷ lại, các em đã biết xây dựng cho mình khả năng tự giác trong học tập.
Ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của phong trào, trong những năm qua, Sở GD và ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tạo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương. Ngoài ra, sở cũng yêu cầu các trường đổi mới phương pháp dạy và học để lôi cuốn, tạo sự hứng thú trong tiếp thu kiến thức của học sinh; khuyến khích học sinh đề xuất sáng kiến và cùng các thầy giáo, cô giáo thực hiện các giải pháp để việc dạy và học có hiệu quả ngày càng cao. Đặc biệt, các trường rất coi trọng việc giảng dạy tích hợp, dạy các môn khoa học tự nhiên theo hướng lồng ghép.
Có thể nói, việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng THTT-HSTC thời gian qua đã đem lại kết quả bước đầu, góp phần làm cho mái trường thân thiện hơn đối với học sinh. Tuy nhiên, còn nhiều chỉ tiêu của phong trào đặt ra vẫn chưa hoàn thành như: cơ sở vật chất một số trường học ở bậc học mầm non, cấp tiểu học và THCS còn thiếu; nguồn kinh phí xây dựng công trình vệ sinh, các phòng chức năng còn hạn hẹp. Các công trình vệ sinh, nước sạch của nhiều trường chưa đạt chuẩn về diện tích theo quy định và bị xuống cấp. Việc đổi mới phương pháp dạy và học cũng như giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn chưa đạt yêu cầu. Để khắc phục những hạn chế nói trên, các trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục, phát huy các nguồn lực. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các tổ chức xã hội trong việc thực hiện phong trào THTT- HSTC. Có như vậy phong trào mới đạt được những mục tiêu và yêu cầu đặt ra, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh Nguyễn Khắc Hào Sau ba năm thực hiện phong trào THTT-HSTC, ngành giáo dục Hà Tĩnh tiếp tục được củng cố và phát triển: Chất lượng dạy học đại trà và mũi nhọn tiếp tục giữ vững và đẩy mạnh, chú trọng bồi dưỡng, kèm cặp đối tượng học sinh yếu, kém. Số lượng học sinh giỏi quốc gia ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm; hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng bỏ học. Tỷ lệ học sinh bỏ học học kỳ I năm học 2010-2011 giảm còn 385 học sinh trên tổng số 280 nghìn học sinh. |
Ý kiến ()