Hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu phát triển của năng lượng tái tạo
Tổng quan
Cung ứng năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động, cũng như các tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh, an toàn trong cung ứng năng lượng… Do vậy, từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng, đặc biệt là các nguồn sinh khối, gió, năng lượng mặt trời… được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững.
Hiện nay tất cả các nước trên thế giới đang đối mặt với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, với việc thực hiện mục tiêu của Paris COP 21 là đảm bảo sự tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu từ nay đến năm 2100 ở mức dưới 2°C, bằng biện pháp giảm sản xuất và sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), nguyên nhân phát ra 2/3 lượng khí nhà kính (CO 2) mà thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như: gió, mặt trời, sinh khối…
Riêng đối với Việt Nam – đất nước sẽ chịu tác động khá trầm trọng của biến đổi khí hậu, lại có tiềm năng nguồn NLTT (thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt) phong phú, trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước như thủy điện vừa và lớn, than, dầu khí đều ngày càng cạn kiệt, đang biến đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng tịnh thành nước nhập khẩu tịnh thì việc tăng cường phát triển các nguồn NLTT có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, vừa góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong mục tiêu toàn cầu, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Chính nhờ điều kiện thiên nhiên ưu đãi trong phát triển NLTT, Chính phủ đã xây dựng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh, 2016) đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể như: Ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện; Mục tiêu cụ thể là ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không kể nguồn thủy điện lớn và vừa, thủy điện tích năng) đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030; Quy hoạch phát triển nguồn điện đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…), từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.
Ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30 GW điện gió. Cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, chúng ta có thể phát triển khoảng 100 GW công suất điện gió. Hiện có 9 nhà máy/trang trại điện gió đang vận hành với tổng công suất 304,6 MW, trong đó lớn nhất là trang trại điện gió Bạc Liêu với gần 100 MW, nhỏ nhất là nhà máy điện gió Phú Quý 6 MW nối lưới độc lập (không nối lưới điện quốc gia) trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, còn lại là 7 nhà máy điện gió quy mô công suất nhỏ dưới 50 MW.
Bên cạnh đó, 18 dự án nhà máy/trang trại điện gió đã được khởi công và đang trong quá trình xây dựng với tổng công suất 812 MW, trong đó có 2 dự án có công suất từ 100 MW trở lên là Bạc Liêu 3 và Khai Long (Cà Mau), còn lại 16 dự án có quy mô công suất nhỏ từ 20 MW đến 65 MW.
Theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030, tiềm năng công suất dự kiến hơn 22.000 MW, chi tiết của một số tỉnh như sau: Bình Thuận 1.570 MW, Ninh Thuận 1.429 MW, Cà Mau 5.894 MW, Trà Vinh 1.608 MW, Sóc Trăng 1.155 MW, Bạc Liêu 2.507 MW, Bến Tre 1.520 MW, Quảng Trị 6.707 MW. Tuy nhiên, từ tiềm năng đến hiện thực luôn có khoảng cách, và những hạn chế với nhiều nguyên nhân do các rào cản khó khăn về pháp lý, kỹ thuật, tài chính, nhân lực và chủ đầu tư dự án…
Điện mặt trời cũng được đánh giá cao khi Việt Nam là quốc gia có thời gian nắng nhiều trong năm với cường độ bức xạ lớn ở các khu vực miền Trung, miền Nam. Các tỉnh Tây Bắc (Lai Châu và Sơn La) số giờ nắng trong năm khoảng 1897 – 2102 giờ/năm. Các tỉnh phía Bắc còn lại và một số tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khoảng 1400 – 1700 giờ/năm. Các tỉnh từ Huế vào miền Nam khoảng 1900 – 2700 giờ/năm.
Theo đánh giá, những vùng có số giờ nắng từ 1.800 giờ/năm trở lên thì được coi là có tiềm năng để khai thác sử dụng. Đối với Việt Nam, thì tiêu chí này phù hợp với nhiều vùng, nhất là các tỉnh phía Nam.
Vì những lý do trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đề ra mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và hướng đến một thị trường điện cạnh tranh với nguồn đầu tư và mô hình kinh doanh đa dạng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Năng lượng tái tạo quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2050. Chính phủ khuyến khích việc phát triển và sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo với nhiều biện pháp, nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi nhất trong việc đầu tư sản xuất NLTT.
Thực trạng
Tính đến cuối tháng 6-2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12-2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.
Tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương khảo sát cho 48 dự án điện mặt trời, trong đó có 18 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Riêng Tập đoàn Thiên Tân, theo báo Nhật Nikkei (5-2-2018), đã có 5 dự án tại tỉnh Ninh Thuận, từ nay cho đến năm 2020, với tổng trị giá gần 2 tỷ USD. Công ty CPĐTXD Trung Nam đầu tư vào Ninh Thuận 2 nhà máy với quy mô công suất 355,95MW tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng… ngoài ra còn hơn 30 dự án ĐMT đã và đang được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch.
Trong khi nguồn công suất tại chỗ rất lớn thì nhu cầu phụ tải của Ninh Thuận và Bình Thuận lại rất nhỏ. Theo tính toán cân bằng công suất của Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia, tại tỉnh Ninh Thuận từ nay đến tháng 12-2020 chỉ dao động từ 100-115 MW và Bình Thuận từ 250-280 MW. Chính vì vậy, công suất cần phải truyền tải từ 2 địa phương này cũng rất lớn, với Ninh Thuận là từ 1000-2000 MW và Bình Thuận là từ 5.700 – 6.800 MW (bao gồm cả các nguồn điện truyền thống).
Theo tính toán, sự phát triển nhanh của NLTT và sự hạn chế của hạ tầng lưới điện đã dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, TBA từ 110-500 kV trên địa bàn đều quá tải. Trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%. Mức mang tải của các đường dây còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Chính thực trạng hạ tầng không đáp ứng được sự phát triển NLTT nên hiện nay các nhà máy ĐMT đang phải giảm phát khoảng 60% công suất do hệ thống truyền tải chưa đáp ứng được công suất sản xuất điện từ các nhà máy ĐMT. Theo ước tính, đến hết tháng 6 năm 2019 lượng điện lãng phí do thiếu hạ tầng khoảng 23,2 triệu kWh, nếu hạ tầng không đáp ứng kịp, con số thiệt hại và lãng phí đối với nhà nước, doanh nghiệp sẽ vô cùng lớn.
Theo tính toán của Bộ Công thương, với 2 kịch bản (tần suất nước 50% và 70%), các tính toán cập nhật cho thấy, trường hợp tần suất nước bình thường (50%) đã xuất hiện khả năng thiếu hụt điện năng trong hệ thống điện với sản lượng khoảng 264 triệu kWh năm 2020 và gần 1,8 tỷ kWh năm 2023. Với kịch bản tần suất nước (75%), do khô hạn nên sản lượng thủy điện của kịch bản này so với kịch bản tần suất nước (50%) thấp hơn khoảng 15 tỷ kWh/năm. Vì vậy, thiếu hụt điện năng sẽ diễn ra trong tất cả các năm từ 2019 tới năm 2025 và khu vực thiếu hụt điện năng tập trung ở miền Nam.
Trường hợp năm khô hạn, để đảm bảo cân đối cung cầu giai đoạn 2021-2023, cần bổ sung them khoản 6,3GW điện mặt trời và 1,2GW điện gió so với số lượng đã được bổ sung quy hoạch, nâng tổng quy mô công suất đến năm 2023 khoảng 16,9GW đối với điện mặt trời (chiếm 15,2% tổng công suất nguồn). Đối với kịch bản chậm trễ them các dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (T6/2020 T12-2022) và Long Phú 1 (T1-2025 T6-2025) cần bổ sung them 8GW điện mặt trời và 2,2GW điện gió. Trong đó, nguồn điện gió và mặt trời bổ sung quy hoạch cần phải lựa chọn các dự án nằm tại hệ thống điện miền Nam và gần trung tâm phụ tải thì mới có thể vào vận hành kịp tiến độ năm 2021-2013.
Với thực trạng hạ tầng và sự phát triển năng lượng tái tạo như hiện nay, giải pháp cấp bách trong xây dựng hạ tầng lưới điện để giải tỏa năng lượng tái tạo là điều cốt yếu. Nên hay không xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện là câu hỏi cần được các cơ quan liên quan và Chính phủ trả lời sớm, tránh tình trạng lượng điện sản xuất dư thừa tuy nhiên người dân, doanh nghiệp lại vẫn thiếu điện để sinh hoạt và sản xuất kinh doanh vì hạ tầng quá tải.
Theo Nhandan
Ý kiến ()