Năm 2012, TP Hà Nội có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận trên lĩnh vực cải thiện hạ tầng giao thông, đô thị. Nhiều dự án được triển khai thi công quyết liệt, tạo điểm nhấn rõ nét trong bức tranh đô thị. Có những dự án không chỉ mang ý nghĩa rất quan trọng đối với Thủ đô mà còn là thành tựu chung của cả nước trong năm nay.Giờ đây, đường Nguyễn Chí Thanh đi Trần Duy Hưng và ngược lại, những dòng xe lao nhanh tạo nên dòng chảy thông suốt trên trục đường ở cửa ngõ phía tây Thủ đô. Đây là cầu vượt lắp ghép thứ tư được hoàn thành trong năm 2012 và là cầu vượt thép có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với bốn làn xe chạy, trọng tải 80 tấn. Tại lễ thông cầu ngày 16-12 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh nỗ lực của TP Hà Nội và đánh giá đây là địa phương đi đầu trong thực hiện mục tiêu hạn chế ùn tắc giao thông bằng việc khẩn trương triển khai các dự án cầu cạn tại những nút giao...
Năm 2012, TP Hà Nội có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận trên lĩnh vực cải thiện hạ tầng giao thông, đô thị. Nhiều dự án được triển khai thi công quyết liệt, tạo điểm nhấn rõ nét trong bức tranh đô thị. Có những dự án không chỉ mang ý nghĩa rất quan trọng đối với Thủ đô mà còn là thành tựu chung của cả nước trong năm nay.
Giờ đây, đường Nguyễn Chí Thanh đi Trần Duy Hưng và ngược lại, những dòng xe lao nhanh tạo nên dòng chảy thông suốt trên trục đường ở cửa ngõ phía tây Thủ đô. Đây là cầu vượt lắp ghép thứ tư được hoàn thành trong năm 2012 và là cầu vượt thép có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với bốn làn xe chạy, trọng tải 80 tấn. Tại lễ thông cầu ngày 16-12 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh nỗ lực của TP Hà Nội và đánh giá đây là địa phương đi đầu trong thực hiện mục tiêu hạn chế ùn tắc giao thông bằng việc khẩn trương triển khai các dự án cầu cạn tại những nút giao thông có mật độ phương tiện lớn.
Vào thời điểm này năm 2011, Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các cơ quan liên quan và đại diện cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã nhiều lần bàn thảo, tính toán các phương án thiết kế cầu vượt sao cho ít tốn kém, triển khai trong thời gian ngắn nhất, mà đạt hiệu quả cao và bảo đảm hài hòa cảnh quan đô thị… Ngay sau khi quyết định phương án làm cầu vượt lắp ghép kết cấu nhẹ, các đơn vị bắt tay triển khai ngay, với thời gian thi công mỗi công trình chỉ trong vòng bốn tháng, quá trình thi công không gây ảnh hưởng tới việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày của người dân. Hai cầu vượt đầu tiên xây dựng tại nút Tây Sơn – Chùa Bộc và nút Láng Hạ – Thái Hà – hai điểm nóng về giao thông đã được các đơn vị khởi công vào ngày 27, 28 Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, khi người dân bắt đầu kỳ nghỉ Tết, mật độ giao thông đã vãn hơn. Chỉ hơn ba tháng sau, cầu vượt Láng Hạ – Thái Hà, Tây Sơn – Chùa Bộc đã hoàn thành. Tiếp đó là cầu vượt tại Láng – Lê Văn Lương và Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng, cầu vượt tại nút giao giữa tuyến đường bắc Thăng Long – Nội Bài và tuyến đường Nam Hồng lần lượt xuất hiện, như những “chiếc cầu vồng” làm bừng sáng bức tranh giao thông Hà Nội. Mọi người dân đều ghi nhận nhờ có cầu vượt cạn mà tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các khu vực nêu trên đã cơ bản được khắc phục. Bác Đoàn Minh Chức, một người dân sống ở phố Quan Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận xét: Chúng tôi đã thấy hình ảnh “cuộc sống reo vui từng giờ” ở những ngã tư này, giống như lời một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, vì mọi người không còn sự bực dọc, lo lắng mỗi khi đi qua đây…
Trong những dự án hạ tầng đô thị được hoàn thành trong năm 2012, không thể không kể tới công trình bề thế, là đường vành đai ba trên cao. Đây là dự án đạt nhiều kỷ lục: Đường cao tốc đô thị đầu tiên của cả nước, dự án trọng điểm về đích sớm trước thời hạn nhiều tháng, con đường kết nối các trục giao thông huyết mạch khu vực phía bắc… Tuyến đường không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống giao thông của Thủ đô, mà còn là công trình mang tầm vóc quốc gia, là thành tựu chung của cả nước. Gần chín km đường trên cao kết nối với đoạn cầu cạn Pháp Vân dài sáu km đã tạo nên tuyến đường trên cao vành đai 3 dài 15 km, đồng thời nối với cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và cầu Thanh Trì, xa hơn là quốc lộ 5 và đại lộ Thăng Long tạo thành tuyến giao thông liên hoàn hiện đại. Đặc biệt, tuyến đường được đánh giá sẽ rút ngắn 50% thời gian di chuyển của các phương tiện từ khu vực phía bắc sang phía nam Thủ đô và giảm đáng kể tình trạng ùn tắc. Tuyến đường “xương sống” này góp phần hoàn chỉnh bức tranh đô thị mới phía tây nam thành phố – một khu vực đang phát triển mạnh mẽ, mang đậm dáng vẻ và nhịp sống công nghiệp. Ngoài những công trình lớn vừa nêu trên, một số công trình giao thông nội đô khác như tuyến Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng hay những đoạn tuyến bên bờ phải sông Tô Lịch cũng cải thiện đáng kể cho tình hình giao thông trong khu vực…
Năm 2013, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng đô thị và xây dựng nông thôn mới. Tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội cuối năm 2012, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: Kinh nghiệm trong công tác chống ùn tắc giao thông thời gian qua là vừa phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, vừa tập trung vào giải pháp đột phá là đầu tư hạ tầng giao thông. Điều đó đòi hỏi thành phố tập trung nguồn vốn, áp dụng cơ chế đặc thù về thủ tục đầu tư, kiểm soát chặt chẽ về tiến độ thời gian và chất lượng công trình…
Ngay từ đầu năm 2013, thành phố chỉ đạo triển khai dự án mở rộng đường vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng; “thúc” tiến độ đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục và đường vành đai 2,5; hoàn thành và thông xe đường Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng, khởi công các cầu vượt tại nút giao Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, nút Kim Mã – Liễu Giai.
Ngay trong quý I-2013, các đơn vị sẽ hoàn thành dứt điểm tuyến đường 32, đường 16…; đồng thời hoàn thiện thủ tục, khởi công 16 công trình, gồm đường Trần Phú – Kim Mã, cầu Mọc, cầu 36, cầu Hạ Dục, cầu Gốm, cầu Đầm Mơ, cầu Hồng Phú, đoạn còn lại của tuyến đường 23B, đường gom cầu Giẽ – Phú Yên – Vân Từ… Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các đơn vị triển khai các dự án phát triển giao thông đô thị theo đúng cam kết tiến độ với Ngân hàng Thế giới, như dự án quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì); đường Văn Cao – hồ Tây, cầu Mỗ Lao, cầu Từ Châu…; hoàn tất công tác đàm phán, ký kết hợp đồng dự án BT đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng – quốc lộ 1A, đường chung quanh Khu tưởng niệm Chu Văn An, chuẩn bị đầu tư xây dựng các cầu thép vượt sông Tô Lịch, sông Lừ tại các khu vực đường Kim Giang giao với đường Hoàng Đạo Thành; khu vực cây xăng Thịnh Liệt nối với khu đô thị Linh Đàm, cầu Đào Tấn…
Năm mới 2013, với kế hoạch triển khai các dự án hạ tầng đã đặt ra, tin rằng TP Hà Nội sẽ tiếp tục tạo nên những chuyển biến tích cực, để Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại và văn minh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()