Hà Nội xây dựng lộ trình quản lý xe máy hết niên hạn sử dụng
Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 5,3 triệu xe máy (trong đó, có khoảng 4.000 xe máy dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên), gần 10.700 xe máy điện, gần 4.400 xe mô-tô 3, 4 bánh tự chế (không được cấp đăng ký). Trong đó, có gần một nửa số lượng xe máy đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn tham gia giao thông. Để bảo đảm an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường, TP Hà Nội đã đề xuất lộ trình quản lý, thu hồi xe máy quá niên hạn sử dụng, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải.
Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, tình hình ô nhiễm môi trường không khí ngày càng diễn biến phức tạp; nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Trong ba tháng đầu năm nay, theo nghiên cứu của Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khỏe” gia tăng so cùng kỳ năm trước. Ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu do hoạt động của các loại xe cơ giới, sử dụng nhiên liệu hóa thạch (chiếm 70 đến 90%). Đặc biệt, xe máy đang tham gia giao thông là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm, không chỉ do tập trung một số lượng lớn phương tiện mà quan trọng, mỗi xe đều là nguồn phát thải gây ô nhiễm do chưa được kiểm soát khí thải. Theo tính toán, xe máy đang lưu hành chiếm 95% về số lượng phương tiện, tuy chỉ tiêu thụ 56% xăng (không tính đi-ê-den) nhưng lại thải ra khoảng 94% khí thải HC; 87% CO; 57% NOx và 33% PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới kể cả chạy bằng xăng và đi-ê-den.
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, đến hết năm 2016, trên cả nước có hơn 49 triệu xe mô-tô, xe gắn máy được đăng ký, hầu hết là mô-tô hai bánh, chiếm 95% tổng số xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, những xe máy cũ không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Kết quả nghiên cứu năm 2016 của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho thấy, có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời của phương tiện. Đối với xe máy mới từ một đến 5 năm, mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn so với xe máy sử dụng hơn 10 năm. Chưa kể, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của đa số người dân, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố và tiếp tục tăng nhanh.
Hiện nay, nước ta vẫn chưa có quy định về niên hạn và chưa kiểm soát được khí thải xe máy. Do đó, cần ban hành quy định về niên hạn đối với loại phương tiện này. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai kiểm tra khí thải với xe máy chạy hơn 5 năm. Nếu vẫn đạt tiêu chuẩn, xe sẽ được dán tem kiểm định cho 2 năm. Những xe không đạt sẽ phải thay thế phụ tùng, sửa chữa, bảo dưỡng cho bảo đảm. Tại Hà Nội, cần sớm quy định lộ trình thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe mô-tô, xe gắn máy. Quy định niên hạn đối với xe máy cần được nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng hơn, hoặc nghiên cứu loại bỏ phương tiện cũ nát thông qua các giải pháp khác. Việc triển khai kiểm tra khí thải xe máy là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, UBND thành phố Hà Nội chỉ ra nguyên nhân chậm thực hiện do xe máy liên quan đến đa số người dân với đủ mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi và có nhận thức rất khác nhau (nhất là người lao động có thu nhập thấp phải sử dụng xe máy cũ, xe có chất lượng thấp).
Để kiểm soát xe máy quá niên hạn, TP Hà Nội đưa ra một loạt cơ chế, chính sách như: Không phân biệt xe có biển kiểm soát đăng ký tham gia giao thông trên địa bàn để bảo đảm công bằng; thu phí môi trường thông qua dán tem môi trường các mức xanh, vàng, đỏ đối với xe gắn máy; thu hồi, loại bỏ xe máy không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật đối với phương tiện phát thải môi trường vượt quá mức cho phép, không có cách khắc phục.
Theo lộ trình, từ nay đến hết tháng 6-2018, TP Hà Nội sẽ điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy (theo năm sản xuất); hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật đối với xe máy; hình thành bước đầu một số cơ sở kiểm định khí thải; tổ chức đào tạo kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu. Từ đầu tháng 7-2018 đến hết năm 2019, thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe máy phân khối lớn (dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên); thu hồi, loại bỏ phương tiện cũ nát, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải. Sau năm 2020, Hà Nội tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện; căn cứ điều kiện thực tế nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai giai đoạn tiếp theo đối với xe máy, loại có dung tích xi-lanh dưới 175 cm3 và phát triển hệ thống, mạng lưới cơ sở kiểm tra khí thải…
Nhằm có căn cứ xử lý các phương tiện xe máy “quá đát”, TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan kiểm tra khí thải xe máy; lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải, bổ sung xử phạt chủ xe vi phạm,… Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về khí thải đối với xe máy tham gia giao thông theo hướng kết hợp xử lý các hành vi vi phạm khác về trật tự ATGT. Bộ Tài chính xây dựng, ban hành theo thẩm quyền quy định liên quan đến giá, lệ phí và kinh phí thực hiện kiểm tra khí thải xe máy; nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước như mua lại phương tiện cũ, đổi xe cũ lấy xe mới hoặc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, việc làm cho một số đối tượng lao động,… Các địa phương khác cũng cần thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện, thị xã) về chủng loại, thời gian sử dụng xe máy (theo năm sản xuất) tại địa phương; xác định vị trí bãi tập kết tiêu hủy xe máy cũ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()